Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, chính sách dừng công nghệ 2G đã được các doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng từ nhiều năm nay; Đây đã là giai đoạn cuối, còn những tháng cuối cùng trước khi ngừng cung cấp dịch vụ 2G cho người sử dụng.
Toàn thị trường có khoảng 11 triệu thuê bao 2G. Đây là con số tương đối lớn. Việc dừng toàn bộ các thiết bị đầu cuối này trong khoảng thời gian 2 tháng là áp lực không nhỏ. Để đạt được mục tiêu, quan trọng nhất là phải thông tin đầy đủ cho người sử dụng biết, đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là những khu vực người sử dụng chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ. Công tác truyền thông tới người dùng tại đây cần được thực hiện mạnh mẽ hơn từ nay đến 15/9/2024”, ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Cục Viễn thông cũng khẳng định lại quan điểm sẽ không cấp lại băng tần 900MHz và 1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao di động sử dụng thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ GSM 2G vào tháng 9/2024.
Về giải pháp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi thiết bị 2G, Bộ TT&TT khuyến khích việc chuyển đổi các thuê bao này sang sử dụng smartphone. Việc chuyển đổi sang các mẫu máy feature phone 4G chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của khách hàng.
Từ nay đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp cần tiếp tục ngăn chặn nhập mạng với máy 2G không hợp quy. Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp cùng chia sẻ cách làm, tài liệu truyền thông, xây dựng hướng dẫn sử dụng để hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị.
Sau khi các nhà mạng thực hiện tắt sóng 2G, nhu cầu về dòng điện thoại 4G sẽ tăng đột biến. Trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đại lý tăng giá bán với các dòng điện thoại 4G. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội Facebook có tình trạng bán tháo các điện thoại "cục gạch" 2G với giá rất rẻ, chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.
Không những thế, trên Facebook còn xuất hiện việc các đối tượng xấu lừa bán các dòng điện thoại “cục gạch” 2G được quảng cáo là điện thoại feature phone 4G. Sau khi khách hàng mua sản phẩm thì các đối tượng lừa đảo này xóa tài khoản bán hàng trên Facebook.
Người dùng chỉ cần nói từ khóa điện thoại 2G hoặc 4G thì thuật toán của Facebook đã đưa về 1 loạt trang bán điện thoại feature phone 4G giá siêu rẻ. Để kiểm tra vấn đề này, PV VietNamNet đã tìm thấy nhiều trang bán điện thoại 4G giá rẻ mới được lập ra. Khi PV thử thực hiện giao dịch mua máy trên Facebook thì phát hiện đây là những điện thoại Nokia chỉ có 2G hoặc là những dòng điện thoại gắn mác Nokia nhưng không rõ xuất xứ. Đáng chú ý, sau khi đối tượng nhận được tiền mua điện thoại từ khách hàng thì lập tức xóa tài khoản Facebook.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, khách hàng của Viettel cũng phản ánh việc họ bị lừa mua phải điện thoại “cục gạch” 2G được quảng cáo là điện thoại feature phone 4G. Chỉ đến khi kích hoạt mới biết điện thoại này không sử dụng được. Hiện Viettel đã thử nghiệm tắt sóng 2G tại 79 huyện trên cả nước để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G.
Vẫn theo ông Nguyễn Trọng Tính, hết tháng 7, Viettel đã đưa tổng số thuê bao 2G của nhà mạng này xuống còn khoảng 5,6 triệu. Mục tiêu Viettel đặt ra là giảm lượng thuê bao 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu ở thời điểm hạn chót ngày 15/9. "Viettel xác định đây là tập thuê bao khó chuyển đổi. Sau thời điểm đó, Viettel chấp nhận sẽ "cut off" (ngắt kết nối) lượng thuê bao còn lại", ông Nguyễn Trọng Tính nói.
MobiFone và Vietnamobile cũng cho biết vẫn còn vài trăm nghìn thuê bao 2G Only sau ngày 15/9.
Hiện các nhà bán lẻ cũng xác nhận với VietNamNet đang có tình trạng “cung không đủ cầu” đối với dòng feature phone 4G vì nhu cầu đang tăng đột biến.
Ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị các nhà mạng gửi thông tin về những điểm bán tăng giá máy điện thoại 4G và những nơi lừa đảo khách hàng để Bộ TT&TT yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử và các mạng xã hội ngăn chặn ngay vấn nạn này.
(责任编辑:Cúp C1)