Vai trò quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao
Dù là thành phần kinh tế quan trọng, chiếm tỷ lệ lao động lớn nhất nhưng phát triển nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập do mức độ gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp, quá trình sản xuất còn tiêu tốn nhiều nguồn lực, sức cạnh tranh không cao.
Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn thấp. Do đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào các hoạt động nông nghiệp sẽ là giải pháp giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là ở các vùng nông thôn.
Giải thưởng "Top 10 công ty nông nghiệp công nghệ cao uy tín" được xây dựng nhằm vinh danh các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào ngành này để tạo ra những thay đổi cả về chất và lượng. Việc đánh giá dựa trên ba tiêu chí chính gồm năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Điểm sáng của BAF Việt Nam
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Với định hướng xây dựng hoàn thiện mô hình khép kín chuỗi Feed - Farm - Food, công ty BAF kiểm soát được chất lượng toàn diện từ đầu vào là nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt cho đến đầu ra là hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng được BAF xác định là chiến lược trọng điểm của công ty trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Hiện nay, BAF là doanh nghiệp chăn nuôi điển hình trong việc triển khai các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất trong ngành, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Cụ thể, công ty sở hữu máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Việt Nam đạt cùng lúc 2 chứng nhận quốc tế GLOBAL GAP và FSSC 22.000 phiên bản 5.0. Không chỉ được đánh giá là tiêu chuẩn cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu, 2 chứng nhận trên còn quan tâm đến các chỉ tiêu về dinh dưỡng, vật lý nguyên liệu và sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thân thiện với môi trường.
BAF cũng xây dựng các trang trại chăn nuôi hướng đến đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn theo quy định của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về công nghệ thiết bị hiện đại, hệ thống quản lý tự động. BAF đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải tiêu chuẩn cao nhất về môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam, công nghệ thu gom, tách ép và ủ để tạo thành phân bón tận dụng cho trồng trọt, giảm tỷ lệ chất thải đưa xuống bể biogas, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.
Đầu năm 2024, BAF có 9 trang trại được trao chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu - tiêu chuẩn đảm bảo nông trại tích hợp (GLOBALG.A.P IFA phiên bản 5.2).
Công ty cho biết sẽ luôn nỗ lực để duy trì các tiêu chuẩn đã được công nhận, đồng thời với việc áp dụng các tiêu chuẩn chăn nuôi GlobalG.A.P cho các trang trại còn lại. Các hoạt động này không chỉ tối ưu về mặt kinh tế mà còn giúp BAF đạt mục tiêu giảm phát thải nhà kính và phát triển bền vững.
Công ty cũng đã khởi động dự án Chuyển đổi số quản trị tổng thể doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây SAP S/4HANA Cloud - một dự án chuyển đổi số có quy mô lớn trong ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng tại Việt Nam. Đây là giải pháp quản trị toàn diện giúp BAF đạt được hiệu quả số hóa thông tin và tiếp cận, ứng dụng các thông lệ tốt nhất (Best Practices), quy trình chuẩn theo đặc thù ngành được đúc kết từ kinh nghiệm quản trị của các doanh nghiệp lớn cùng ngành trên toàn thế giới.
Dưới sự tư vấn của các tổ chức quốc tế, BAF ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phúc lợi động vật, sức khỏe động vật. Theo đại diện công ty, sự phát triển của doanh nghiệp theo xu hướng tất yếu của thế giới đồng thời với đáp ứng nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động và an sinh xã hội, chung tay phát triển nền kinh tế nông nghiệp trong nước theo hướng hội nhập - hiện đại và bền vững.