Những ngày này,ếtbaocấpđứatrẻnghèobậtkhóctrướcsựcốcuốinăkèo banh ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều người nói Tết đã về đến tận cửa. Thế nhưng, với bà Nguyễn Thị Thắng - người phụ nữ đã gắn bó gần 50 năm ở đây, Tết ngày nay không còn được chờ mong như xưa nữa.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một trong những khu tập thể đầu tiên của Hà nội, được xây dựng từ những năm 60 - 61 của thế kỷ trước. Năm 1970, bà Thắng về sống cùng chồng tại căn hộ ở tầng 1.
Bà Nguyễn Thị Thắng (SN 1941) gắn bó gần 50 năm ở khu tập thể nhớ về cái Tết xưa. |
Căn phòng chật hẹp, diện tích vốn có chỉ 18 m2 nhưng có tới 6 người sinh sống bao gồm mẹ chồng, vợ chồng bà Thắng và 3 đứa con. Tuy nhiên, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, sở hữu một căn hộ ở Nguyễn Công Trứ là niềm khao khát của rất nhiều người.
Đến nay, gần 50 năm trôi qua, bà Thắng vẫn nhớ như in những ngày tháng cũ. Khi đó, khu tập thể có đường khá rộng và đẹp. Ô tô tải có thể vào đầu các dãy nhà. Khoảng sân giữa các tòa nhà đều được trồng cây xanh mát, có sân chơi trẻ em, sân chơi thể thao cho người lớn. Hầu như cư dân cả khu đều biết nhau.
Gần Tết, bà Thắng nhớ vào khoảng ngày 22, 23 chị em trong khu tập thể lại gọi nhau đi xếp hàng từ 4, 5h sáng để mua thịt, mua lá nấu bánh chưng.
“Thịt, lá dong hay gạo, đỗ đều mua bằng tem phiếu. Mỗi nhà chỉ đủ gói 5 - 10 cái bánh. Người ở tầng 1 thì gói và nấu trước cửa nhà mình, người ở tầng trên thì rủ nhau nấu chung. Tiếng cười, tiếng nói cứ rộn ràng khắp khu tập thể”, bà Thắng nhớ lại.
Tuy vậy theo bà Thắng, nấu bánh chưng là công đoạn chuẩn bị cuối cùng để đón Tết. Trước đó, cả tháng trời cánh chị em phụ nữ đều tận dụng từng chút thời gian để cắt đèn lồng, dây hoa bằng giấy. Sau đó cất gọn, gần Tết mới mang ra trang hoàng nhà cửa.
“Ở Hà Nội khi đó, không phải nhà nào cũng dùng giấy màu trang trí nhà cửa. Thế nhưng ở khu tập thể này, chị em cứ đua nhau làm. Ai cũng muốn gia đình mình trang hoàng đẹp nhất, cầu kỳ nhất”, bà Thắng hoài niệm.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã cũ kỹ theo thời gian |
Ngày Tết, nhiều người dân nơi đây có thói quen chơi hoa. Theo bà Thắng, Tết ở Nguyễn Công Trứ, có thể không có quất, có đào nhưng hầu như nhà nào cũng có một bình hoa lớn. Trong bình cắm thược dược, lay ơn, mẫu đơn...
Bà Thắng nói, việc trang trí nhà cửa hay chơi hoa, một phần để không khí Tết rôm rả, căn nhà trở nên lộng lẫy hơn mọi ngày nhưng một phần khác là muốn xua đi cái đói, cái nghèo.
Để chuẩn bị thực phẩm cho Tết, bà Thắng kể, người người, nhà nhà phải dành dụm tem phiếu của nhiều tháng trong năm. Thế nhưng chuyện các con được ăn no, ăn đủ trong Tết vẫn là một bài toán khó.
Gần Tết, người người nhà nhà đi xếp hàng mua thực phẩm. Ảnh tư liệu. |
“Giai đoạn khó khăn, mỗi nhà nhiều lắm cũng chỉ được vài kg thịt. Sau khi gói bánh chưng, một phần thịt người ta dành để kho, luộc, một phần bó giò, còn thịt gà ăn Tết là điều xa xỉ”, bà Thắng cho biết.
Chính bởi điều đó, có năm, vì muốn cải thiện cho các con, bà cố nuôi đôi ba con gà ngay dưới gầm bếp chật hẹp.
Đàn gà được chăm bẵm, gần Tết đã nặng hàng kg nên bà Thắng mừng thầm. Các con của bà cũng chắc mẩm sắp được ăn thịt gà nên háo hức, đếm từng ngày đến Tết.
Nào ngờ, trước ngày ông Công, ông Táo (tức 23 Tết) đàn gà đổ bệnh, rù lông rồi lăn ra chết.
“3 đứa con (đứa lớn mới khoảng 8-9 tuổi đứa nhỏ 4-5 tuổi) thấy thế khóc hết nước mắt. Tôi thì ra vào ngẩn ngơ, tiếc nuối. Vậy là Tết năm đó, thịt gà vẫn là món ăn trong mơ của các con”, bà Thắng nhớ lại, giọng xúc động.
Bây giờ, 3 thế hệ gia đình bao gồm bà Thắng, các con, các cháu vẫn sống trong căn hộ khu tập thể. Cuộc sống của họ nay đã quá đủ đầy. Người người, nhà nhà không phải vất vả ngược xuôi để lo Tết đến xuân về.
Thế nhưng theo bà Thắng, không khí rộn rã, ấm áp tình người của những cái Tết xưa vẫn còn mãi trong tâm trí bà...
Tết thời bao cấp: Đau đầu thái lá gan lợn thành 45 phần
“Một lá gan lợn chúng tôi phải thái thành 45 miếng để đủ cho 45 người. Thế mà Tết vẫn cứ rộn rã tiếng cười …” - nhà văn Lê Tự (SN 1955) nhớ lại cái Tết của nhiều năm về trước.