Kỳ 3: Kết quả của “đêm trước” đổi mới
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II và III đề ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 1980-1985 cần tập trung thực hiện nhiều vấn đề quan trọng,ữngkỳtíchcủavùngđấtlửa–kỳlich thi dau vo dich y cấp bách. Thực hiện nhiệm vụ này, trong phát triển kinh tế, chủ trương đẩy nhanh phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề lương thực trước mắt và phát triển công nghiệp làm nền tảng lâu dài đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.
Nông nghiệp phát triển ổn định
Từ thành công bước đầu trong phát triển kinh tế giai đoạn 1976- 1979, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần II (nhiệm kỳ 1980-1982) đã chỉ ra rằng, tiềm năng kinh tế tỉnh phong phú, có thế mạnh về phát triển trồng và chế biến lương thực, chăn nuôi, lâm nghiệp, cây công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Chính vì vậy, đại hội xác định phương hướng đi lên của tỉnh là: “Xây dựng thành một tỉnh công- nông - lâm nghiệp toàn diện” nhằm sớm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng nhanh nguồn xuất khẩu, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
Qua 2 năm thực hiện, các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 1980- 1982 đã cơ bản đạt được. Nêu cụ thể, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III tiến hành vào tháng 4-1983 đã chỉ rõ: Từ sau Đại hội lần thứ II, tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi, sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng đi vào thâm canh. Diện tích cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày là thế mạnh của địa phương đang được phục hồi và phát triển rất nhanh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa II nhiệm kỳ 1979-1983. Đồng chí Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: D.HIỀN
Đến năm 1985, tỉnh đã tiến hành khai hoang, phục hóa tăng 2.100 ha. Cùng diện tích mở rộng, năng suất lúa từ 2 tấn năm 1981 đã tăng lên 2,9 tấn/ha vào năm 1985; trong đó có 1.500 ha đạt năng suất 3,2 tấn. Thay đổi và chuyển biến quan trọng nhất của giai đoạn này là tỉnh đã tự trang trải được về lương thực và thực phẩm cho nhân dân. Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển đáng kể ở cả 3 khu vực quốc doanh, tập thể và hộ gia đình: đến năm 1985, đàn gia súc và gia cầm đã tăng thêm 25% so với năm 1981…
Tỉnh ủy Sông Bé cũng cho rằng, trong tình hình mất cân đối gay gắt về tiền vốn, về năng lượng, về vật tư, nguyên liệu chủ yếu, tỉnh đã vận dụng các chủ trương kinh tế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vận dụng phương châm “Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các cán bộ Đảng, các ban ngành và đoàn thể đã chú trọng huy động thêm tiền vốn, tự khai thác được nguồn vật tư, nguyên liệu tại chỗ, mở rộng giao dịch với các tỉnh bạn, tăng cường xuất khẩu để nhập khẩu… Từ đó, đã tạo điều kiện cho nhiều ngành và đơn vị kinh tế, xã hội quan trọng trong tỉnh vươn lên hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Công nghiệp bước đầu hình thành
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần III vào tháng 4-1983 đã đề ra nhiệm vụ đến năm 1985, Sông Bé phấn đấu ổn định vùng lúa 63.000 ha; màu, lương thực 22.000 ha; rau thực phẩm 12.000 ha; cây công nghiệp hàng năm 23.000 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển mạnh chăn nuôi trâu bò. Về công nghiệp, chú trọng xây dựng cơ khí sản xuất công cụ lao động, cơ khí sửa chữa và sắp xếp lại công nghiệp khai thác và chế biến lâm sản, phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Về tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, khuyến khích sản xuất các mặt hàng xuất khẩu dựa vào nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Thực hiện mục tiêu trên, đến năm 1985, kinh tế tỉnh Sông Bé phát triển mạnh mẽ, hầu hết các chỉ tiêu đều cơ bản đạt được. Trong đó, chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp gắn với sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và hướng lên xuất khẩu bước đầu có hiệu quả. Bằng nhiều định hướng và giải pháp thiết thực với chủ trương cởi mở hơn, thích hợp với tình hình địa phương, hướng mạnh trọng tâm vào sản xuất và xuất khẩu, có chú ý tận dụng các nguồn lực trong dân, nhất là việc sử dụng tốt những người có vốn và tay nghề… Nhờ đó, đến năm 1985, thành quả đạt được trong công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đã khá hơn nhiều, sản lượng bình quân tăng khoảng 1%; trong đó tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp chiếm hơn 70% tổng giá trị sản lượng.
Cùng với đó, các xí nghiệp sắp xếp lại tổ chức, sản xuất có hiệu quả hơn, tăng được năng suất như Xí nghiệp Vật liệu xây dựng, Xí nghiệp 3-2… Ở các huyện, đã phát triển thêm những cơ sở về chế biến thực phẩm, nông cụ, ván ép, gạch ngói, đồ nhựa… Hoạt động sản xuất tăng kéo theo xuất khẩu có chuyển biến hơn; đến năm 1985 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt 7 triệu rúp, riêng xuất khẩu thu đôla tăng gần 17 lần so với năm 1981.
Có thể nói, giai đoạn 1976- 1985, kinh tế của tỉnh Sông Bé đã đạt kết quả khả quan, vừa phục vụ mục tiêu chính trị vừa giải quyết vấn đề lương thực cấp bách trước mắt, góp phần ổn định đất nước trong giai đoạn khó khăn. Kết quả giai đoạn này là tiền đề quan trọng để Sông Bé tiến tới thực hiện thắng lợi giai đoạn đổi mới với cột mốc là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần IV.
Kỳ 4: Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng
T.MINH