Đà Nẵng sắp có "bộ đôi" cảng và khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam
Trường Thịnh(Dân trí) - Đà Nẵng đang khẩn trương khai trương hai dự án trọng điểm là khu thương mại tự do (FTZ) và cảng biển Liên Chiểu, tạo nên hệ sinh thái logistics và thương mại hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung.
Trong đó, cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư trên 3.400 tỷ đồng cho phần A - phần sử dụng chung đang được đôn đốc, thúc đẩy nhanh tiến độ để dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.
Phần B là dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, kêu gọi đầu tư cho 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán sơ bộ của UBND TP Đà Nẵng, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỷ đồng.
Đối với khu thương mại tự do, TP Đà Nẵng dự kiến xây dựng phân tán với 10 vị trí, tổng diện tích hơn 1.700ha, bao gồm các khu chức năng như khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ.
Cụ thể, khu sản xuất là phía bắc sông Cu Đê (400ha); khu công nghệ cao Đà Nẵng và mở rộng (559ha). Khu thương mại - dịch vụ gồm chân núi Bà Nà (90ha); hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ (154ha và 53ha). Khu logistics gồm quy hoạch khu công nghiệp Hòa Nhơn (200ha); khu vực phía Tây Nam sân bay Đà Nẵng (80ha); sau cảng biển Liên Chiểu (100ha) và đường tránh Nam Hải Vân (100ha).
Vị trí thứ 10, TP cũng sẽ xem xét bổ sung vị trí cho khu thương mại tự do lấn biển dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành, với diện tích 420ha.
Hệ sinh thái cộng hưởng giữa FTZ và cảng Liên Chiểu
FTZ là khu vực chỉ định tại một quốc gia nơi hàng hóa được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất, điều chỉnh và tái xuất khẩu mà không chịu thuế xuất nhập khẩu và các quy định hải quan khác.
Dự kiến hoạt động từ năm 2025, FTZ và cảng Liên Chiểu tạo ra sự cộng sinh giữa thương mại tự do và logistics. FTZ cho phép các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí thông qua chính sách ưu đãi như miễn thuế xuất nhập khẩu và dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ logistics chất lượng cao, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và kết nối dễ dàng với doanh nghiệp khác trong FTZ cũng như toàn bộ vùng xung quanh.
Sự cộng hưởng giữa cảng và FTZ còn giúp Đà Nẵng xây dựng một hệ sinh thái thương mại và logistics bền vững. FTZ không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp logistics và thương mại mà còn là bàn đạp cho ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất xuất khẩu. Qua đó, Đà Nẵng có thể nâng cao sức cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư từ nhiều lĩnh vực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
FTZ và cảng Liên Chiểu còn tạo nền tảng cho sự chuyển mình của Đà Nẵng thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao trên bản đồ toàn cầu. Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông và thương mại tự do phát triển, thành phố có thể đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Mục tiêu này không chỉ giúp Đà Nẵng nổi bật trong khu vực mà còn trở thành cầu nối kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á.
Sức hút bất động sản khu Tây Bắc
Theo Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải - chuyên gia địa ốc, giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM, bộ đôi siêu cảng và FTZ sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics, nâng cao giá trị gia tăng ngành du lịch, thương mại... của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng; tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Bên cạnh đó, 2 dự án này gián tiếp mang lại các lợi ích: hình thành trụ sở của các tập đoàn lớn, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển kinh tế hàng hải, thu hút nhân tài... mang lại tác động to lớn đối với kinh tế - xã hội. Khu Tây Bắc hiện là địa bàn thu hút nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản.
Với hạ tầng cải thiện và cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ, bất động sản ở khu Tây Bắc được nhận định là tâm điểm của thị trường Đà Nẵng trong thời gian tới. Khu vực quanh cảng Liên Chiểu thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư mong muốn khai thác tiềm năng từ hệ sinh thái thương mại và logistics.
Việc thành lập bộ đôi cảng Liên Chiểu và FTZ không chỉ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm thương mại logistics hàng đầu mà còn tạo ra bước đệm quan trọng cho phát triển bền vững. Đà Nẵng đang nỗ lực không ngừng để biến tầm nhìn này thành hiện thực, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế và vị thế quan trọng trong khu vực ASEAN.