Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội,ệtNamvàMarocquyếttâmcủngcốvàmởrộngquanhệđốitákết quả club leon 24/11/2008). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Ngày 27/3, hai nước Việt Nam và Maroc chính thức kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961-27/3/2021). Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Maroc tại Việt Nam, Jamale Chouaibi đã trả lời phỏng vấn về quan hệ hợp tác giữa hai nước.
- Ngày 27/3/2021, Việt Nam và Maroc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ đánh giá khái quát về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những thập kỷ qua?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Việt Nam và Maroc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào ngày 27/3/2021. Đây là dịp để tôn vinh tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đánh giá những kết quả hợp tác song phương và tìm kiếm những phương thức tốt nhất nhằm tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác.
Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa Maroc và Việt Nam đã được hình thành từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1961. Trên thực tế, quan hệ hai nước đã bắt nguồn từ những năm 1940, khi Maroc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống lại thực dân Pháp và Tây Ban Nha.
Nhiều nhà sử học đã khẳng định các hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo kháng chiến của Maroc và Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận động những người lính Bắc Phi thuộc lực lượng viễn chinh Pháp giải ngũ hoặc gia nhập hàng ngũ kháng chiến của Việt Nam.
Trong số các gương mặt tiêu biểu được Maroc cử tới giúp đỡ lực lượng Việt Minh thực hiện nhiệm vụ trên, có thể kể đến M'Hammed ben Omar Lahrech, mang biệt danh Maârouf và thân mật theo tiếng Việt là “Anh Mã.”
Ông đã giúp Việt Nam làm công tác địch vận và xây dựng phong trào phản chiến trong đội ngũ hàng binh và tù binh Bắc Phi ở trại Sơn Tây, dưới chân núi Ba Vì. Ông được phong quân hàm tướng và có quan hệ gần gũi với các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc bấy giờ.
“Cổng Maroc” (La Porte du Maroc), từng được những người Maroc xây dựng ngay lối vào hợp tác xã chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, là di sản và bằng chứng sống động về lịch sử chung giữa Maroc và Việt Nam.
Mối quan tâm chung trong việc tăng cường hợp tác song phương thể hiện mong muốn thúc đẩy và củng cố quan hệ hợp tác Nam-Nam, cũng như ứng phó với những thách thức kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường toàn cầu, chủ yếu thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn giữa các nước đang phát triển.
Ở góc độ chính trị, Maroc và Việt Nam chia sẻ các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quan hệ đối ngoại của hai nước, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, cam kết thực hiện nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, thương lượng và hòa giải.
Về phương diện kinh tế, việc trao đổi thương mại hai chiều tăng gần 50%, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019 chứng tỏ sự phát triển tích cực của hợp tác song phương. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Maroc trong khu vực ASEAN.
- Xin Đại sứ cho biết những điểm nổi bật trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Maroc?
Đại sứ Jamale Chouaibi:Trước khi nói đến quan hệ song phương, tôi muốn giới thiệu tổng quan các nguyên tắc cơ bản về chính sách đối ngoại của Maroc, trong đó có nhiều nội dung được Việt Nam nhất trí và chia sẻ.
Maroc luôn cam kết thúc đẩy hòa bình thế giới và đặc biệt tại châu Phi. Maroc là một trong những quốc gia đóng góp ngay từ đầu cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đại sứ Maroc tại Việt Nam, Jamale Chouaibi. (Ảnh: TTXVN phát)
Đất nước chúng tôi cũng ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, thương lượng và hòa giải. Ngoài ra, chúng tôi bảo vệ các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Maroc cam kết củng cố hợp tác Nam-Nam thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và thông lệ tốt cũng như thúc đẩy chia sẻ kiến thức, chuyên môn giữa các nước đang phát triển, nhằm đáp ứng các thách thức toàn cầu về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.
Quan hệ chính trị giữa Maroc và Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, nhờ việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cấp chính phủ và nghị viện.
Chuyến thăm chính thức gần đây nhất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tới Maroc vào tháng 3 năm 2019 và chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Maroc, Habib El Malki, tại Việt Nam, vào tháng 12 năm 2017 là những dấu mốc trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chính trị và nghị viện giữa hai nước.
Maroc và Việt Nam duy trì tham vấn thường xuyên, thông qua cơ chế Ủy ban hỗn hợp. Cho đến nay, hai nước đã tổ chức 4 phiên họp của Ủy ban hỗn hợp và 5 phiên tham vấn chính trị. Phiên họp thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp và phiên tham vấn chính trị lần thứ 6 dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Rabat.
Quan hệ kinh tế song phương được tăng cường nhờ việc ký kết hiệp định thương mại và biên bản ghi nhớ giữa các Bộ Thương mại. Một hiệp định thương mại được ký kết gần đây nhất giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế Kỹ thuật số Maroc nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là năng lượng tái tạo, dệt may, điện tử, cơ khí, công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón.
Một biên bản ghi nhớ khác cũng đã được ký kết gần đây giữa hai Bộ về việc thành lập tiểu ban chuyên trách thương mại và hợp tác công nghiệp với mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Maroc trên nhiều lĩnh vực đã có những bước phát triển tích cực. Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Maroc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng tạo điều kiện cho tăng cường hợp tác và phối hợp trong tương lai. Cụ thể, về vị trí địa chiến lược, Việt Nam là cửa ngõ vào Đông Nam Á, Maroc là cửa ngõ đến châu Phi và châu Âu. Hai nước có tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế mới nổi năng động, tăng trưởng kinh tế bền vững, chính sách đa dạng hóa đối tác thương mại và nguồn nhân lực trình độ cao.
Hai bên đều quyết tâm củng cố và mở rộng quan hệ đối tác song phương. Điều này được minh chứng bằng số lượng các thỏa thuận được ký kết gia tăng, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, năng lượng và khai khoáng, ngân hàng, giáo dục và đào tạo, dịch vụ hàng không, cũng như các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa một số các trường đại học và các thành phố của hai nước.
Mặc dù giá trị trao đổi thương mại song phương cho đến nay vẫn chưa đạt tiềm năng cũng như kỳ vọng của hai nước, nhưng chúng ta thấy kim ngạch xuất nhập khẩu đang tăng lên qua từng năm.
Việc Maroc sắp bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính và kinh doanh của Việt Nam, sẽ tạo động lực mới cho các cơ hội giao thương và kinh doanh giữa hai nước.
Quan hệ kết nghĩa trong tương lai giữa Casablanca, trung tâm công nghiệp và tài chính của Maroc, với Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tạo ra bước đà mới phát triển quan hệ hợp tác song phương của chúng ta.
Các kế hoạch và tầm nhìn đầy hứa hẹn mà hai nước hướng đến, về năng lượng tái tạo, chuyển đổi kỹ thuật số, du lịch, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và hậu cần, tăng tốc công nghiệp và công nghệ, với mục tiêu của Maroc - trở thành nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại Bắc Phi và Việt Nam - nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại Đông Nam Á, sẽ là cơ hội để hai nước chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, qua việc thành lập các ủy ban liên ngành chuyên trách các mục tiêu kể trên.
- Xin Đại sứ cho biết các hoạt động do Đại sứ quán Maroc tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương cũng như các hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Nhằm ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh trực tuyến về những sự kiện lịch sử nổi bật kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ sưu tập ảnh này được giới thiệu tới công chúng Việt Nam và quốc tế qua trang web của Đại sứ quán Maroc (http://moroccoembassy.vn/vi/home.h.html) từ ngày 27/3/2021.
Ngoài ra, hàng loạt sự kiện kinh tế, văn hóa sẽ diễn ra trong năm 2021 với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên các viện nghiên cứu.
- Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đại sứ ấn tượng nhất với điều gì?
Đại sứ Jamale Chouaibi: Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát đại dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Thành công này có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả ngay từ khi dịch bệnh bùng phát cũng như việc huy động sự tham gia và ủng hộ của toàn dân trong cuộc chiến khó khăn và kéo dài này.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
TheoTTXVN