Mở đầu phiên giao dịch ngày 31/8 trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS được giao dịch tại mức giá 44,3 USD/cổ phiếu, tăng nhẹ so với giá đóng cửa phiên trước.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, áp lực bán tăng mạnh khiến giá VFS liên tục giảm, có lúc chỉ còn 33,64 USD/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu VFS về 34,71 USD/cổ phiếu, giảm gần 16% so với phiên giao dịch trước.
Với mức giá trên, vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast giảm còn 80 tỷ USD, giảm hơn 50% so với mức đỉnh 2 ngày trước. Vốn hóa hãng xe này tụt xuống vị trí thứ 5 trong các công ty sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Ngược với sự sụt giảm liên tiếp của giá cổ phiếu VinFast, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite vẫn duy trì đà tăng, lên mức 14.034 điểm, tăng 15 điểm so với phiên trước.
Trong khi đó, trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm xuống vị trí thứ 446, tài sản còn 6 tỷ USD.
Ngay khi VinFast lên sàn, Forbesđã cập nhật tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông qua số cổ phần sở hữu tại Vinfast, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục tăng/giảm theo diễn biến giá cổ phiếu VFS.
Cách tính mới của Forbesđã loại bỏ ảnh hưởng của giá cổ phiếu VinFast đối với biến động tài sản của ông Phạm Nhật Vượng. Tỷ lệ cổ phiếu VFS đang lưu hành giao dịch tự do quá thấp đã tạo ra những luồng tranh luận trái chiều trong thời gian qua.
Ông Phạm Nhật Vượng từng đề cập đến vấn đề tài sản khi trả lời phỏng vấn báo chí nhiều năm trước: "Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời". Phát biểu này của ông Vượng cũng được Forbes trích dẫn trong hồ sơ về vị doanh nhân này trên trang web chính thức.