Sau phát ngôn được xem là “chưa thành khẩn” trên trang Facebook cá nhân, Mark Zuckerberg đã trả lời các báo lớn như CNN, New York Times để chính thức đưa ra lời xin lỗi. Theo CNN, đây là lần đầu tiên Mark phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn như vậy sau 14 năm ông sáng lập mạng xã hội này.
Giờ đây, vấn đề người ta nghĩ đến không phải việc Facebook khắc phục hậu quả ra sao mà là, khi nào Mark Zuckerberg lại tiếp tục trở thành tâm điểm của làn sóng chỉ trích tiếp theo.
Khi nào Facebook hết tin tức giả mạo? Một vụ để lộ dữ liệu người dùng khác có xảy ra hay không? Chính ông thừa nhận ra, kiểm soát hoàn toàn vấn đề là điều không thể.
Mark Zuckerberg gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát Facebook. Ảnh: Gettty Images. |
Hãy xem CEO Facebook nói gì: “Chúng tôi phục vụ một cộng đồng hơn 2 tỷ người. Và khi bạn cung cấp cho ai đó công cụ để chia sẻ và kết nối, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều câu chuyện tốt xảy ra và không may, kèm theo đó là cả những câu chuyện xấu - có thể là tin tức giả mạo, phát ngôn gây hận thù hay người ta tìm cách làm tổn thương nhau.
Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng mọi thông điệp tốt phải được truyền đi. Nhưng cũng có những kẻ xấu ngoài kia đang cố tình lợi dụng để xâm phạm bảo mật của người dùng hoặc đưa các nội dung vi phạm tiêu chuẩn của cộng đồng”.
Trong phát biểu này, có 2 Mark Zuckerberg tồn tại. Một Zuckerberg là người quản lý thương hiệu - người hiểu rõ anh ta là thuyền trưởng của một con tàu lênh đênh giữa các con sóng lớn và chưa thấy đất liền. Một Zuckerberg khác rất bình thường, hiểu rằng thay đổi bản chất con người, dù trên web hay đời sống thực, là không thể.
Do đó, một mặt ông nhấn mạnh “chúng ta phải làm cho những kẻ xấu không thể lan truyền tin tức giả mạo”. Chỉ vài phút sau, ông thừa nhận “với một cộng đồng 2 tỷ người, tôi không thể hứa rằng sẽ phát hiện ra mọi thứ”.
Facebook sở hữu lượng người dùng lớn hơn nhiều so với các mạng xã hội hoặc ứng dụng nhắn tin khác. |
Thực tế, điểm mạnh nhất của Facebook cũng là điểm yếu nhất của họ: Facebook quá khổng lồ. Họ sở hữu hơn 2 tỷ người dùng, gần 1/3 dân số trên toàn Trái Đất. Ở nhiều nơi, nó là một phần trong cuộc sống của nhiều người.