Sáng qua (23-4),ònmãivớithờbóng đá cá cược nhà cái Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức họp mặt nữ kháng chiến tiêu biểu với chủ đề “Còn mãi với thời gian” nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến dự buổi họp mặt có ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; các mẹ Việt Nam anh hùng và gần 400 nữ kháng chiến tiêu biểu...
Các nữ kháng chiến tiêu biểu tham gia giao lưu tại buổi họp mặt. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Mở đầu buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xúc động phát biểu: “Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ở các chiến trường ác liệt, không có công việc nào thiếu bóng dáng của các mẹ, các dì, các chị. Ngoài những người trực tiếp cầm súng chiến đấu còn có biết bao chị em làm nhiệm vụ giao liên, trinh sát, quân báo, xây dựng cơ sở chính trị trong vùng địch, dân công, vận chuyển tiếp tế, cứu tải thương binh...”. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, Thủ Dầu Một - Bình Dương đã có Đội nữ du kích Thanh Tuyền làm nên chiến công rực rỡ ở Dầu Tiếng, Bến Súc... Nhiều phụ nữ đã làm nội ứng diệt chỉ huy ác ôn, hạ đồn, vận động binh sĩ mang vũ khí về với gia đình hoặc gia nhập hàng ngũ kháng chiến...
Trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, chúng ta lại có Đại đội gái anh hùng quận Bến Cát và những Đội nữ pháo binh Châu Thành, Tân Uyên... lần lượt ra đời, tham gia đánh phá nơi đóng quân của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Điển hình như bà Mười Diệu chỉ huy trận đánh tại Cây Sao, diệt 40 tên địch, phá hỏng 5 xe tăng; bà Tám Dương, nguyên Chỉ huy phó kiêm Chính trị viên Đội vũ trang tuyên truyền (gồm 50 đội viên, trong đó có 18 nữ) đã cùng bộ đội huyện đánh bót Bình Mỹ ngay giữa ban ngày, diệt 150 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, 1 xe tăng, cháy một kho xăng... gây tiếng vang lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng xúc động nói: “Vinh quang là vậy, xong không thể kể hết những đau thương, mất mát mà các mẹ, các dì, các chị đã trải qua. Đó là những trận đòn roi vô cùng dã man trong chốn lao tù. Đó là hình ảnh những người mẹ, người vợ... đau đáu nhìn chồng, con ra đi không ngày trở về... Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im...”. Bằng sự hy sinh cao cả ấy, tên các mẹ, các dì, các chị tô thắm thêm những địa danh đã đi vào huyền thoại như Chiến thắng Bàu Bàng, Chiến khu Đ, Nhà Đỏ - Bông Trang...
40 năm trôi qua, những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung năm xưa giờ đây tóc đã bạc, da đã nhăn và có nhiều người một phần thân thể của họ đã để lại nơi chiến trường ác liệt. Nhưng hôm nay, khi có dịp gặp lại, họ lại vui mừng hỏi thăm nhau tình hình sức khỏe, gia đình, con cháu... Bao nhiêu kỷ niệm một thời oanh liệt cứ tràn về trong ký ức. Bà Nguyễn Thị Hoa, một nữ kháng chiến ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “40 năm đã trôi qua mà tôi cứ ngỡ chỉ như mới hôm qua. Bởi những vết thương, những trận đòn roi, tra tấn dã man của địch vẫn thường xuyên gây nhức nhối”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, bà Hoa đã tham gia vào Hội Phụ nữ Cứu quốc ở địa phương. Với vai trò là tổ trưởng tổ phụ nữ, bà đi vận động chị em cùng lo công tác hậu cần như xay lúa, giã gạo, nấu cơm cho bộ đội… Đến năm 1947, bà thoát ly gia đình vào cơ quan Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Trong những năm tháng này, với bà có biết bao kỷ niệm, nhưng đáng nhớ nhất chính là những bữa đi lạc đường, những ngày đói cơm. Bà kể: “Những năm 1947-1951, chuyện đói cơm, thiếu muối diễn ra hàng ngày. Ai cũng phải thường xuyên ăn độn củ mì, củ chụp… Khi hết khoai, hết rau thì vào rừng lấy măng le, tre rừng. Thức ăn chủ yếu là muối hạt, còn mắm ruốc cả tháng mới có 1kg… Khó khăn cực khổ trăm bề nhưng với mong muốn tột cùng là đất nước được độc lập nên ai cũng cố gắng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng…”. Trong cuộc đời hoạt động của mình, bà Hoa có một chiến tích mà khi nhắc đến nhiều người phải giật mình. Đó là bà có gần 16 năm bị giam trong ngục tù Mỹ - ngụy, từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch. Bà Hoa tâm sự: “Hôm nay, nhìn những tấm huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 60 năm tuổi Đảng, tôi tự thấy mình không hổ thẹn với lời thề trung thành với Đảng và trong lòng luôn thấy nét xuân tươi dù đã quá cái tuổi “cổ lai hy”. Tôi chỉ mong sao con cháu mình tiếp bước truyền thống cha ông, gìn giữ những gì mà cha ông đã cực khổ, hy sinh biết bao mồ hôi, máu xương và nước mắt mới có được…”.
Còn bà Lê Thanh Thuận, thị trấn Mỹ Phước (TX.Bến Cát) sau kháng chiến, trở về đời thường với đôi chân không lành lặn. Một phần đôi chân bà đã ở lại với ấp chiến lược ác liệt năm xưa. Bà Thuận kể: “Năm 1959, bà tham gia làm giao liên. Một năm sau đó, bà chính thức thoát ly gia đình tham gia cách mạng”. Trong suốt 10 năm (1960-1970), bà đã bám trụ vùng ven, sống với dân để hoạt động. Bữa cơm bà ăn hàng ngày chính là nhờ dân nuôi. Không khiếp sợ trước quân thù, với phương châm “2 chân, 3 mũi”, hàng ngày bà tham gia phá ấp chiến lược, đưa dân về xóm cũ, phá rào, gỡ trái, diệt ác ôn... Trong một lần gỡ trái phá ấp chiến lược, bà đã bị trúng mìn ríp, một chân bị cụt. Vì vậy, năm 1970 bà phải trở về dưỡng thương, làm công tác văn phòng cho đến ngày về hưu.
Các mẹ, các dì, các chị ơi! Chiến tranh đã lùi xa. Các mẹ, các dì, các chị đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước. Chúng tôi biết rằng, niềm hạnh phúc lớn lao của các mẹ, các dì, các chị hôm nay chính là được nhìn đất nước từng ngày càng thay da, đổi thịt. Những cánh rừng bạt ngàn, những vùng đất bị bom cày đạn xới năm xưa giờ đã thành công ty, xí nghiệp, thành những công trình vươn tới tầm cao. Đất nước, quê hương đã vững vàng đi trên con đường công nghiệp, hiện đại hóa. Đây cũng chính là sự đền đáp của thế hệ hôm nay trước những chiến công mà các mẹ, các dì, các chị đã phải đánh đổi bằng máu xương để mang lại độc lập, hòa bình cho quê hương, đất nước.
THU THẢO