Chiếc Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn mất tích vào ngày 8/3/2014 khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Malaysia, Trung Quốc và Australia đều đã kết thúc cuộc tìm kiếm chung vào tháng 1/2017 do không có phát hiện đáng kể nào.
Cuộc tìm kiếm tiếp theo do công ty thám hiểm biển tư nhân Ocean Infinity của Mỹ thực hiện cũng kết thúc mà không có kết quả vào tháng 6/2018.
Theo Straits Times, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke hôm 5/11 xác nhận, Kuala Lumpur đang đàm phán với Ocean Infinity về một đề xuất do công ty này đưa ra hồi tháng 6 nhằm tiếp tục tìm kiếm các mảnh vỡ của máy bay trong khu vực rộng 15.000 km2 ngoài khơi bờ biển Tây Australia.
Đề xuất này dựa trên nguyên tắc "không tìm thấy, không tính phí", nghĩa là chính phủ sẽ không cần trả phí nếu không tìm thấy mảnh vỡ.
"Dựa trên thông tin và phân tích mới nhất từ các chuyên gia và nhà nghiên cứu, đề xuất tìm kiếm của Ocean Infinity có cơ sở và có thể được chính phủ Malaysia xem xét với tư cách là đơn vị quản lý chính thức của chuyến bay", ông Loke trình bày trước Quốc hội nước này.
Bộ trưởng Loke bổ sung rằng Ocean Infinity đang đề nghị mức phí 70 triệu USD – số tiền tương đương với mức đề xuất vào năm 2018 – nếu tìm thấy mảnh vỡ. Bộ Giao thông Vận tải Malaysia sẽ công bố thêm chi tiết sau khi kết thúc đàm phán và có sự phê duyệt từ chính phủ.
Các nguồn thạo tin cho biết khu vực tìm kiếm mới đã được mở rộng "tứ phía" so với khu vực mà Ocean Infinity khảo sát vào năm 2018.
"Thêm vào đó, khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 là thời điểm tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm, các vùng biển ở Nam bán cầu vào mùa hè sẽ yên ả hơn so với những cơn bão dữ dội vào mùa đông. Mỗi lần trì hoãn là cửa sổ tìm kiếm sẽ càng thu hẹp", một nguồn tin nói với The Straits Times.
Vài tháng trước khi diễn ra lễ tưởng niệm 10 năm ngày MH370 mất tích, một tòa án tại Bắc Kinh bắt đầu xét xử về các yêu cầu bồi thường của hơn 40 gia đình hành khách người Trung Quốc trên chuyến bay, chiếm hai phần ba tổng số hành khách.
Sau khi vụ kiện bắt đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, bày tỏ sự cảm kích trước sự tiếp tục theo dõi của Malaysia về vụ việc, đồng thời hy vọng các bên sẽ duy trì giao tiếp chặt chẽ. Vụ mất tích bí ẩn của MH370 là một điểm căng thẳng trong quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc.
Trong những tuần sau khi MH370 mất tích, gia đình các hành khách Trung Quốc cùng các quan chức nước này tỏ ra bất bình trước công tác của Malaysia Airlines và Chính phủ Malaysia.
Tiến sỹ Lam Choong Wah, chuyên gia quốc phòng về các vấn đề quốc tế và chiến lược tại Đại học Malaya, đề xuất rằng Kuala Lumpur nên hợp tác với Bắc Kinh trong cuộc tìm kiếm MH370 lần này, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương sắp tới.
“Vì đa số hành khách trên chuyến bay là người Trung Quốc, Malaysia không nên từ chối hợp tác với Bắc Kinh trong nỗ lực tìm kiếm mảnh vỡ. Trung Quốc sở hữu công nghệ thám hiểm đáy biển tiên tiến nhất hiện nay,” ông Lam chia sẻ.
Tiến sỹ Lam đề cập đến các tàu nghiên cứu và khảo sát đại dương của Trung Quốc, như tàu Hướng Dương Hồng, đã hoạt động thường xuyên ở Ấn Độ Dương từ năm 2016.
- Pickleball, bí quyết sức khỏe của Taylor Swift và người nổi tiếng
- Ngôi sao nhận cát sê 966 tỷ nhờ hai vai diễn
- Dịch vụ phòng trọ tình yêu
- Đáp án môn Tiếng Anh thi THPT quốc gia 2019 mã đề 410
- Toyota Camry đời cũ 2006 độ thân rộng, hạ gầm sát mặt đất
- Nỗi đau của người phụ nữ bị chỉnh sửa khuôn mặt, ghép vào ảnh nóng
- Người đàn bà điên chết bốc mùi trong ngôi nhà Hải Phòng có người sống
- Chương trình CEO 2019: Hỗ trợ học bổng tới 65%
- Điều bí ẩn đằng sau câu chuyện ứng cử viên tiến sĩ tự tử
- Nữ trọng tài ‘gây thương nhớ’ tại giải vô địch cờ vua trẻ Đông Nam Á
- Cược lớn vào Ấn Độ nhưng Apple còn phụ thuộc Trung Quốc nhiều
- Khánh thành Học viện Phật giáo 1.000 tỷ đồng tại TP.HCM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư dịp khai giảng năm học 2019