Myanmar rất muốn tham gia BRICS và sẽ nỗ lực hết sức để gia nhập khối này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, Than Swe, trả lời hãng tin Nga Tass.
"Tôi nghĩ các nước BRICS hiện chiếm 45% dân số toàn cầu", ông Than Swe cho biết, đồng thời nói thêm rằng Myanmar nằm gần hai thành viên, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc. Ông cũng chỉ ra rằng đất nước này duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia thành viên BRICS khác.
Theo nhà ngoại giao, Myanmar nắm giữ vị trí địa kinh tế vô cùng thuận lợi vì "được bao quanh bởi năm quốc gia láng giềng, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Lào và Thái Lan, nơi có 3,2 tỷ người sinh sống, do đó có thể nói rằng đây là "một trong những khu vực thị trường lớn nhất thế giới".
Ông cũng cho rằng, Myanmar có vị trí chiến lược tại trung tâm của thị trường này, đóng vai trò là cầu nối trên bộ giữa Nam Á, Trung Quốc và Đông Nam Á. Quốc gia này cũng có đường bờ biển Ấn Độ Dương rộng lớn và nếu mạng lưới cơ sở hạ tầng khu vực được phát triển, Myanmar có thể trở thành cửa ngõ vào khu vực, nhà ngoại giao này nhấn mạnh.
"Myanmar rất quan tâm đến BRICS, đó là lý do tại sao chúng tôi tuyên bố sẽ nỗ lực tham gia. Chúng tôi xem xét vấn đề này về mặt kinh tế", ông Than Swe tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước này sẽ thực hiện các bước để tham gia tổ chức.
Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng tất cả các nước đang phát triển đều mong muốn hòa bình, ổn định và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, và đó là lý do tại sao họ háo hức tham gia BRICS.
Theo ông, nhiều nước đang phát triển dự đoán rằng trong tương lai, BRICS có thể dẫn đầu các chương trình nghị sự kinh tế xã hội cho các quốc gia đang phát triển cả trong khu vực và trên toàn cầu.
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng nhóm đã nhất trí về danh sách các quốc gia đối tác. Trong giai đoạn đầu, lời mời sẽ được gửi đến các quốc gia này và thông báo sẽ được đưa ra khi BRICS nhận được phản hồi.
Giữa tháng trước, Nga thông báo BRICS đã trao tư cách đối tác cho 3 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan, những quốc gia trước đó đã bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên của khối.
Quy chế "quốc gia đối tác" mới đã được thông qua tại hội nghị Kazan, Nga sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS, theo RT.
BRICS ban đầu bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, khối đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo Tass