Trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), Quân đội Nhân dân Việt Nam có tổng cộng 5 đại đoàn tham gia chiến đấu với 15 trung đoàn. Trong đó có 9 trung đoàn bộ binh với tổng quân số hơn 51.440 người.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để chiến thắng 12.000 quân tinh nhuệ của thực dân Pháp, ngoài sự đồng lòng quyết tâm của toàn dân tộc thì phải kể đến sự hiệp đồng tác chiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự trong chiến đấu của 5 đại đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam có 5 đại đoàn tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ gồm: Đại đoàn 312, tức Đại đoàn “Chiến thắng”; Đại đoàn 308, tức Đại đoàn “Quân tiên phong”; Đại đoàn 316, tức Đại đoàn “Việt Bắc”; Đại đoàn 304, tức Đại đoàn “Vinh Quang”; Đại đoàn Công pháo 351.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 mang mật danh “Bến Tre” gồm 3 trung đoàn: Trung đoàn 141 mật danh “Đầm Hà”; Trung đoàn 209, tức Trung đoàn “Sông Lô” mật danh “Hồng Gai”; Trung đoàn 165, tức Trung đoàn “Thành đồng biên giới” mật danh “Đông Triều”. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" cho ông Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 tháng 5/1954.
Các chiến sĩ Đại đoàn 312 tấn công tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam tháng 3/1954.
Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn vào Trung tâm đề kháng Him Lam với 2 Trung đoàn 141 và 209. Trung đoàn 165 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Trong ảnh: Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" do ông Trần Can - chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 cắm trên cứ điểm 3 Him Lam tháng 3/1954.
Đại đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ có mật danh “Việt Bắc”. Đại đoàn gồm 3 trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 102, tức Trung đoàn Thủ đô mang mật danh “Ba Vì”; Trung đoàn 88, tức Trung đoàn Tu Vũ mật danh “Tam Đảo”; Trung đoàn 36, tức Trung đoàn Bắc Bắc mang mật danh “Sa-Pa”. Trong ảnh: Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 phối hợp với Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 tấn công tiêu diệt cứ điểm Độc Lập tháng 3/1954.
Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiếp nhận binh lính ở đồn Bản Kéo ra hàng tháng 3/1954.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 luôn theo sát, động viên từng tổ chiến đấu đánh địch phản kích tại cứ điểm 206 tháng 4/1954.
Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy mặt trận, Đại đoàn 308 đảm nhiệm toàn bộ mặt trận phía Tây Mường Thanh từ sông Nậm Rốm đến Bản Kéo, có nhiệm vụ làm trận địa tiến công các cứ điểm 206, 311A, 311B, 310. Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ cùng tiêu diệt cứ điểm A1 phối hợp với Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Trong ảnh: Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt cứ điểm 310 tháng 5/1954.
Đại đoàn 316 được mang mật danh “Biên Hòa” có 3 trung đoàn gồm: Trung đoàn 98 mật danh “Ba Đồn”; Trung đoàn 174 mật danh “Sóc Trăng”; Trung đoàn 176 mật danh “Lạng Sơn”. Trong ảnh: Các chiến sĩ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tấn công tiêu diệt địch tại cứ điểm đồi C1 ngày 1/5/1954.
Mở đầu cuộc tiến công thứ 3, Đại đoàn 316 có nhiệm vụ đánh chiếm đồi C1 đồng thời dùng một lực lượng nhỏ phối hợp đánh ở phía cứ điểm A1 nhằm phân tán sự đối phó của địch, tranh thủ mở rộng bàn đạp tiến công. Trong ảnh: Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tiêu diệt hỏa điểm và lô cốt quan trọng cuối cùng trên cứ điểm đồi A1 tháng 5/1954.
Đại đoàn 304 mang mật danh “Nam Định” có 2 Trung đoàn là: Trung đoàn 9 mật danh “Ninh Bình”; Trung đoàn 57 mật danh “Nho Quan”. Trong ảnh: Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 cùng các đơn vị khác tham gia kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ tháng 1/1954.
Trung đoàn 57 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh, chia cắt hoàn toàn phân khu Hồng Cúm với phân khu Trung tâm. Trong ảnh: Chiến sĩ Đại đoàn 304 dùng súng DKZ diệt xe tăng và bộ binh địch ở phân khu Hồng Cúm tháng 4/1954.
Đại đoàn Công pháo 351 trong chiến dịch Điện Biên Phủ mang mật danh “Long Châu” gồm 4 Trung đoàn là: Trung đoàn phòng không 367 mật danh “Hương Thủy”; Trung đoàn 45 lựu pháo 105 mật danh “Tất Thắng”; Trung đoàn công binh 151; Trung đoàn 675 (gồm 2 tiểu đoàn Sơn Pháo 75mm, 1 tiểu đoàn cối 120mm, 1 tiểu đoàn DKZ và tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng H6). Trong ảnh: Đại đoàn 351 hành quân lên Điện Biên Phủ tháng 12/1953.
Ngày 22/12/1953, Đại đoàn 351 dưới sự chỉ huy của ông Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy đại đoàn, xuất phát hành quân lên Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 351 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập trung hỏa lực bắn phá công sự, sân bay, triệt đường tiếp tế, chế áp tối đa hỏa lực pháo binh địch, chi viện cho bộ binh thắt chặt vòng vây tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra pháo binh trước khi diễn ra trận đánh mở màn tại Trung tâm đề kháng Him Lam tháng 3/1954.
Đại đoàn 351 cũng là đơn vị đầu tiên nhận lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho những đơn vị lập thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Trung đoàn lựu pháo 45, Đại đoàn 351 bắn vào các cao điểm phía Đông, mở màn đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 30/3/1954.
Link: https://vov.vn/chinh-tri/5-dai-doan-tham-gia-chien-dich-dien-bien-phu-va-cac-mat-danh-post1084638.vov