Từ trường học của con tôi về nhà có hai ngả để đi. Một ngả đi chỉ mất độ 10 phút nếu cháu đi ngược đường khoảng 500m. Ngả thứ 2 đi đúng theo quy định giao thông thì quãng thời gian mất gấp đôi.
Thông thường,ụhuynhcầnlàmgươkết quả đề.net vợ chồng tôi vẫn dặn cháu đi đúng đường cho an toàn. Nhưng hôm đó trời trưa rất nắng, thấy con đi học về mồ hôi ướt cả áo, vợ tôi sốt ruột nên nói với cháu:
- Trưa nắng, đường lại ít người qua lại, sao con không đi ngược đường một quãng mà về nhà cho nhanh.
Nghe vậy, cháu trả lời:
- Lỡ bắt gặp thầy cô thì sao mẹ? Thầy con thường nhắc ra đường phải chấp hành luật giao thông. Con mà đi ngược đường, gặp thầy thì xấu hổ lắm.
Nghe con nói, vợ tôi tỏ ra lúng túng rồi lảng qua chuyện khác.
Nghe được câu chuyện của hai mẹ con, bỗng dưng tôi thấy vui vui. Vui vì con biết tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Cháu đã hiểu được rằng những điều thầy cô giáo căn dặn là đúng, là phải, là rất nên được làm theo.
Chỉ tiếc là hiện nay còn rất nhiều người không có “tinh thần xấu hổ” như cháu. Vì thế nên khi ra đường chúng ta vẫn bắt gặp cảnh phóng xe, vượt ẩu, lạng lách, hay vi phạm tín hiệu đèn giao thông.
Thiết nghĩ phải tuyên truyền, giáo dục thật mạnh, thật sâu rộng trong nhân dân, để làm sao mọi người đều cảm thấy “xấu hổ” nếu vi phạm luật giao thông. Tinh thần “biết xấu hổ” của một cháu bé học cấp hai như con tôi là “tín hiệu tốt” cần được nhân rộng, lan tỏa. Hãy biết rằng chấp hành luật giao thông cũng là một trong những biểu hiện của tri thức, của văn minh.
CÔNG DANH