当前位置:首页 > Ngoại Hạng Anh

Hẻm độc lạ ở TPHCM, người dân không uống bia rượu, mỗi năm nhịn ăn 1 tháng_giải tây ban nha hạng 2

W-xom-dao-hoi-1.JPG.jpg
Người dân sinh sống trong con hẻm 157 đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM) không bao giờ uống rượu, bia. Ảnh: Hà Nguyễn

Xóm không rượu bia

Trong con hẻm 157 đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM), một thiếu nữ đội khăn trùm đầu đang chơi đùa cùng đứa trẻ. Thấy người lạ, cô gái e lệ, dắt đứa bé hòa vào nhóm phụ nữ cũng đội khăn như mình.

Họ là những phụ nữ Chăm theo đạo Hồi đang sống tại giáo khu Anwar (phường 1, quận 8). Với khoảng 2.000 nhân khẩu, đây là nơi có cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi đông nhất trong 16 giáo khu ở TPHCM.

Ông Abdohalim, Phó Giáo cả Ban quản trị thánh đường Jamiul Anwar cho biết, xóm đạo Hồi tại hẻm 157 hình thành từ những năm 1960. Đa số người dân tại đây có gốc gác từ vùng Châu Đốc, An Giang.

Trước đây, hẻm từng có làng nghề dệt vải thổ cẩm đông đúc, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân. Tuy nhiên theo thời gian, làng dệt mai một dần.

W-xom-dao-hoi-3.JPG.jpg
Phụ nữ tại đây vẫn mặc trang phục truyền thống. Ảnh: Hà Nguyễn

Hiện nay, các hộ dân sinh sống trong hẻm làm nhiều nghề khác nhau nhưng chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, lao động phổ thông.

Các tiểu thương ở khu chợ nhỏ ngay giữa hẻm bày bán thực phẩm Halal (những loại đồ ăn được phép sử dụng - PV). Một số khác kinh doanh vật dụng, trang phục dành cho người theo đạo.

Suốt gần 100 năm qua, cộng đồng người Chăm tại đây vẫn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người dân mặc trang phục truyền thống khi ra đường, làm lễ, nói tiếng Chăm, gìn giữ chữ viết riêng. Phụ nữ dù ở nhà hay ra ngoài đều trùm khăn.

Đặc biệt, người dân tại đây không bao giờ sử dụng rượu, bia trong suốt cuộc đời của mình. Ông Abdohalim giải thích: “Giáo luật đạo Hồi cấm tín đồ sử dụng rượu, bia. Bởi theo giáo luật, rượu, bia là chìa khóa của tội lỗi.

90% người dân sinh sống tại hẻm theo đạo Hồi nên không ai uống bia, rượu. Vì thế, cả hẻm không có nhà nào tổ chức nhậu nhẹt. Có đám tiệc, bà con cũng chỉ đến ngồi uống nước lọc, nước ngọt chung vui với nhau”.

W-xom-dao-hoi-2.JPG.jpg
Dù ở trong nhà hay ra ngoài đường, họ vẫn trùm khăn che kín đầu. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong khi đó, ông Abdolrazak (57 tuổi, giáo dân sống trong hẻm) cho rằng nhờ không uống rượu, bia, con hẻm trở thành nơi bình yên, an toàn. Bao năm qua, nơi đây hầu như không xảy ra xô xát, mâu thuẫn vì bia rượu.

“Ở đây, mọi người đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Ai cũng được dạy phải nhường nhịn, không cự cãi lớn tiếng. Nếu có hiểu lầm dẫn đến mâu thuẫn, mọi người sẽ nhường nhịn, hòa giải để sự việc được giải quyết một cách nhẹ nhàng".

Không chỉ không sử dụng rượu bia, người theo đạo Hồi tại đây còn làm lễ tẩy thệ 5 lần trong ngày. Trước khi làm lễ, giáo dân phải rửa tay, chân, đầu 3 lần.

Các buổi lễ thường được diễn ra tại thánh đường Jamiul Anwar. Ngôi thánh đường có từ năm 1960 và được xây mới khang trang như hiện tại vào năm 2007.

Nếu không thể đến thánh đường, các tín đồ có thể làm lễ tại nhà. Đặc biệt, vào tháng chay Ramadan hay còn gọi là tháng nhịn ăn, ép xác, các tín đồ bắt buộc phải nhịn ăn, uống trong 1 tháng.

W-xom-dao-hoi-4.JPG.jpg
Ông Abdolrazak nói hẻm là nơi bình yên, an toàn. Ảnh: Hà Nguyễn

Nhịn ăn, uống khi có ánh mặt trời

Theo ông Abdohalim, tháng chay Ramadan thường rơi vào khoảng tháng 3 dương lịch hằng năm. Tháng chay Ramadan được xem là tháng linh thiêng của người Hồi giáo.

Trong tháng này, cũng như những tín đồ Hồi giáo khắp thế giới, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi tại hẻm 157 đường Dương Bá Trạc bước vào quá trình ăn chay.

Suốt thời gian này, người dân nơi đây không đưa thức ăn, nước uống vào cơ thể từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

Ông Abdohalim cho biết: “Trong tháng Ramadan, từ khi mặt trời chớm mọc đến khi mặt trời lặn, chúng tôi không được ăn, uống bất cứ thứ gì. Để có năng lượng cho cả ngày dài, chúng tôi thường ăn nhẹ lúc mặt trời chưa mọc.

Đến chiều tối, khi mặt trời lặn hẳn, chúng tôi mới ăn thêm một lần nữa. Các tín đồ nhịn ăn như thế suốt 1 tháng.

Ý nghĩa của việc này là để các tín đồ thấu hiểu được nỗi khổ, sự đói khát của người đời từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ với người khó khăn, trân trọng thức ăn, nước uống”.

W-xom-dao-hoi-5.JPG.jpg
Abdohalim, Phó Giáo cả Ban quản trị thánh đường Jamiul Anwar. Ảnh: Hà Nguyễn

Người dân nơi đây theo đạo từ nhỏ nên việc nhịn ăn vào tháng Ramadan trở thành thói quen, không cảm thấy khó khăn. Khi cơ thể đã thích nghi, mọi người sinh hoạt, làm việc bình thường trong cả tháng.

Ngoài việc tin theo giáo lý, những người như ông Abdohalim, Abdolrazak cho rằng, nhịn ăn trong tháng Ramadan giúp tâm hồn thanh sạch.

Ngày thường, con hẻm ngoằn ngoèo chia làm nhiều nhánh nhỏ thường yên ắng. Người dân nơi đây buôn bán nhỏ ở vỉa hè trong khi đàn ông thường ngồi uống nước, trò chuyện với nhau.

Đến các khung giờ nhất định, họ lại tạm gác công việc, đến thánh đường hành lễ. Vào tháng Ramadan, con hẻm trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn.

W-xom-dao-hoi-6.JPG.jpg
Một góc thánh đường Jamiul Anwar, nơi người theo đạo Hồi tại hẻm 157 đến hành lễ 5 lần mỗi ngày. Ảnh: Hà Nguyễn

Bởi trong thời gian này, nơi đây thu hút nhiều tín đồ khắp thành phố, thậm chí có giáo dân người nước ngoài đến mua thực phẩm, tham quan, làm lễ.

Ông Abdohalim chia sẻ: “Hơn nửa thế kỷ định cư tại hẻm, cộng đồng người Chăm chúng tôi hòa nhập với người dân trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi tự hào vì vẫn gìn giữ, duy trì được bản sắc của dân tộc mình.

Ngoài trang phục truyền thống, chúng tôi còn gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc. Trẻ em ở đây ngoài học phổ thông ở trường còn học thêm chữ Chăm. Mỗi cuối ngày, các cháu đến thánh đường Jamiul Anwar học chữ viết của dân tộc mình”.

Hẻm chợ chiều ‘lên đời’ thành phố Tây, cư dân rủng rỉnh tiền

Hẻm chợ chiều ‘lên đời’ thành phố Tây, cư dân rủng rỉnh tiền

Một hẻm nhỏ giữa phố Tây Bùi Viện ngày nay từng được người Sài thành biết đến với tên gọi hẻm chợ chiều.

分享到: