Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc,ựhàoquêhươnganhdũkq leipzig phường Tân Bình, TX.Dĩ An là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc cán bộ chiến sĩ. Chiến tranh đã qua đi, chứng kiến rất nhiều trận đánh ác liệt trên quê hương, đất và người của Tân Bình cũng đã ôm trọn biết bao hình hài của hàng trăm chiến sĩ cách mạng và nhân dân đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng này. Viết tiếp những trang sử hào hùng, nhân dân phường Tân Bình và những cán bộ chiến sĩ cách mạng năm xưa lại tiếp tục hăng hái góp sức trên trận tuyến mới, phát huy truyền thống cách mạng, ra sức thi đua, cống hiến tâm sức và trí tuệ dựng xây Tân Bình ngày càng thêm giàu đẹp.
Các cựu chiến binh dâng hương tại Bia tưởng niệm suối Mạch Máng. Ảnh: N.THANH Ký ức không quên Đã 47 năm trôi qua (4.5.1968- 4.5.2015) kể từ ngày diễn ra trận đánh suối Mạch Máng (suối Sọ) nhưng âm vang của cuộc chiến vẫn còn khắc sâu trong ký ức người dân phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Ông Lê Đức Phong (tự Hai Phong), một trong những nhân chứng còn lại của trận đánh suối Mạch Máng năm xưa kể lại: Nơi đây, ngày 4-5-1968 đã diễn ra trận đánh chống càn vô cùng dũng cảm và oanh liệt của lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân địa phương, bao gồm Đại đội 100, Tiểu đoàn 22, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 165, dân quân du kích và bộ đội địa phương. Hơn một ngày đêm bám trụ chiến đấu kiên cường, lực lượng chủ lực và quân dân ta đã đánh trả hàng chục đợt tiến công của địch với sự yểm trợ của phi cơ, pháo binh và xe thiết giáp. Địch đã đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày máu lửa. Kết quả, quân và dân ta đã bắn cháy 4 xe tăng, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên giặc, đập tan hoàn toàn trận càn quy mô lớn của chúng, viết lên một trang sử vẻ vang cho xã Tân Bình, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tân Bình năm xưa là một căn cứ của ta ngay sát hang ổ của kẻ thù. Đây là hậu phương tại chỗ, nơi đứng chân hoạt động của các đơn vị vũ trang, lực lượng kháng chiến 3 huyện Vĩnh Cửu, Lái Thiêu, Thủ Đức và là vùng tiếp giáp của 3 tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Gia Định nên đây là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Tân Bình vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Bất chấp thế bao vây kìm kẹp, bom đạn khốc liệt của kẻ thù, Tân Bình vẫn giữ vẹn truyền thống nuôi quân đánh giặc, kiên cường trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, góp phần không nhỏ vào trang sử hào hùng của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Có biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào của địa phương và những người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã đổ xuống, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Tân Bình. Tiếp nối truyền thống anh hùng Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Bình mở sang một trang sử mới, nhanh chóng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh và tập trung xây dựng quê hương. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân phường Tân Bình đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu. Từ xuất phát điểm là một xã thuần nông, chịu ảnh hưởng nặng nề của tàn tích chiến tranh, với sự đồng thuận của các cấp chính quyền, của khối đại đoàn kết toàn dân, Tân Bình hôm nay đã vươn mình trở thành đô thị mang dáng dấp văn minh hiện đại. Bà Nguyễn Thị Sơn, một người dân phường Tân Bình cho biết: “Hôm nay, mọi thứ đổi thay rất nhiều, khiến những người dân như chúng tôi cũng không ngờ đến. Phường Tân Bình nói riêng và TX.Dĩ An nói chung đang phát triển rất nhanh. Cuộc sống của nhân dân đã được thay đổi, mọi người đều no ấm, hạnh phúc…”. Trân trọng lịch sử, TX.Dĩ An nói chung và phường Tân Bình nói riêng không chỉ xây dựng Bia tưởng niệm truyền thống suối Mạch Máng mà còn thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Ông Đặng Văn Năm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Bình cho biết: “Đảng bộ và chính quyền phường Tân Bình luôn phát huy truyền thống anh hùng và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc cho các đối tượng chính sách, các mẹ Việt Nam anh hùng”. Bằng hình thức xã hội hóa, nổi bật nhất là các hộ dân ở Tân Bình đã hùn, đổi đất ở khu vực ven suối Sọ để xây dựng Bia tưởng niệm truyền thống suối Mạch Máng (suối Sọ) với kinh phí 1,4 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đúng 40 năm kỷ niệm ngày xảy ra trận chống càn; đồng thời Khu chứng tích tội ác thực dân Pháp - Mả 35 cũng được trùng tu vào năm 2010, kinh phí gần 1 tỷ đồng. Hai công trình này mang ý nghĩa lịch sử to lớn như những tài sản quý giá để giáo dục thế hệ trẻ khẳng định và tự hào truyền thống anh hùng của quê hương Tân Bình. “Tri ân những gia đình, những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống bình yên hôm nay, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân phường Tân Bình quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Ngoài việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách, phường còn quan tâm đẩy mạnh phong trào chung tay chăm sóc canh giữ, dọn dẹp vệ sinh tại Bia tưởng niệm suối Mạch Máng. Vì đây là tài sản vô giá, là vinh dự lớn của quê hương Tân Bình”, ông Đặng Văn Năm cho biết thêm. NGỌC THANH
|