Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định,ệtNamđangrấtthuậnlợiđểtriểbóng da so 66 khi nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách phát triển 4G, việc lựa chọn thời điểm triển khai công nghệ này là hết sức quan trọng.
"Ngay từ khi công nghệ 4G mới ra đời và bắt đầu phát triển những năm 2010, 2011, Bộ TT&TT đã có những nghiên cứu, chuẩn bị để xây dựng kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được sau khi triển khai 3G chính là lựa chọn thời điểm phù hợp", Thứ trưởng chia sẻ với VietNamNet bên lề Hội thảo Quốc tế 4G LTE diễn ra sáng 26/3 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Việt Nam đã nghiên cứu, xem xét kỹ về thời điểm triển khai 4G. Ảnh: T.C |
Trên thực tế, dù công nghệ 3G xuất hiện từ đầu những năm 2000, nhưng mãi đến 2009, tức là 9 năm sau đó, Việt Nam mới tiến hành cấp phép 3G cho các doanh nghiệp di động. "Thời điểm chúng ta chọn để cấp phép 3G rất đúng, khi mà thiết bị, nhất là thiết bị đầu cuối đã phát triển rất mạnh, giá xuống rất rẻ. Ngay khi ta đưa dịch vụ 3G vào thì số lượng người dùng tăng rất nhanh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội", Thứ trưởng phân tích.
"Công nghệ đã chín muồi"
Từ bài học kinh nghiệm của 3G, Bộ TT&TT đã nghiên cứu xây dựng lộ trình, chính sách phát triển 4G như một bước đi tất yếu. Lộ trình này cũng phải căn cứ vào các nguyên tắc trong Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch thị trường viễn thông, theo đó, "Việt Nam là một nước đang phát triển, không thể sản xuất ra công nghệ nguồn thì phải xem xét, chờ đợi công nghệ đó chín muồi. Số lượng người dùng công nghệ đó trên Thế giới phải tương đối phổ biến thì khả năng áp dụng thành công vào Việt nam mới cao. Trước đây ta từng triển khai CDMA, một công nghệ cũng rất tốt nhưng tính phổ biến bị hạn chế nên khi triển khai không được thành công lắm", Thứ trưởng thẳng thắn.
Theo lộ trình đã được phê duyệt, trong năm 2014 vừa qua, Bộ TT&TT đã cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE ở một số băng tần như 2600 MHz. Ngày 1/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư cho phép triển khai 4G LTE ở cả băng tần 1800 MHz mà hiện các doanh nghiệp đang dùng cho 2G.
"Chúng ta đã bắt tay vào nghiên cứu và triển khai thử nghiệm 4G ở quy mô nhỏ. Theo đánh giá bước đầu của các doanh nghiệp thì cơ bản về mặt công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu. Song từ góc độ thị trường, kinh tế thì còn phải tính đến nhiều yếu tố khác nữa". Trước mắt, trong năm 2015 này, các nhà mạng sẽ tiến hành thử nghiệm băng tần 1800 MHz và đến đầu năm 2016 thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành cấp phép chính thức 4G dưới hình thức đấu thầu.
Lý giải cho việc lựa chọn thời điểm này để tăng tốc 4G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, 4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới, với gần 500 triệu thuê bao và hơn 2400 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ. "Đó là một tiền đề quan trọng cho Việt Nam triển khai 4G". Tiền đề thứ hai là công nghệ 3G tại Việt Nam tuy đã khá phổ biến, song vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng và tốc độ không thể phủ nhận. Nếu như Việt Nam muốn phát triển thương mại điện tử trên nền di động, Chính phủ điện tử trên di động thì bắt buộc phải cần tới tốc độ và sự bảo mật của 4G.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng chụp ảnh cùng các diễn giả và chuyên gia. Ảnh: T.C |
Đồng quan điểm, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Đông Dương (Lào, Campuchia & Việt Nam) nhấn mạnh rằng, đây đang là "thời điểm vàng" để Việt Nam triển khai 4G. Hiện tại, mạng 3G đã phổ cập rộng khắp cả nước, với số lượng thuê bao chiếm 1/3 dân số. Chi phí đầu tư cho mạng 4G của nhà mạng cũng giảm nhiều so với trước kia. Smartphone hỗ trợ 4G ngày càng rẻ. Bên cạnh đó, 4G sẽ mở ra rất nhiều cơ hội và mô hình kinh doanh mới như Internet of things, kỷ nguyên mà ngay cả ô tô, các thiết bị y tế, giáo dục, nhà thông minh đều có thể kết nối Internet. "Chỉ có 4G mới là nền tảng công nghệ đáp ứng được yêu cầu của những dịch vụ mới này", ông Nam nhấn mạnh.
4G không xung khắc với 3G!
Trước những ý kiến phân vân về việc liệu có phải chúng ta quá vội vàng khi triển khai 4G ngay lúc này, khi mà nhiều nhà mạng thậm chí chưa thu hồi được hết vốn đầu tư vào 3G hay không, vị chuyên gia của Qualcomm khẳng định, đối với VN trong nhiều năm tới, 4G sẽ song song tồn tại cùng với 3G, hỗ trợ những dịch vụ mới đòi hỏi tốc độ dữ liệu cao hơn, tính năng bảo mật mạnh hơn... Trên thực tế, việc tiếp tục củng cố, mở rộng 3G và phát triển 4G không đối lập với nhau mà thực ra lại bổ trợ cho nhau. Nói cách khác, một trong những điều kiện để triển khai 4G chính là phải có một hạ tầng 3G rộng khắp. "Nếu hạ tầng 3G chưa phổ biến thì chính ra lại chưa phù hợp để triển khai 4G, bởi có nhiều dịch vụ như thoại vẫn phải quay lại 3G".
Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE đều nhất trí rằng, dù Việt Nam đang ở vào vị trí cực kỳ thuận lợi để triển khai, vẫn có những yếu tố cần được lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cho thành công cuối cùng.
Theo ông Nam, điều quan trọng nhất là Cơ quan quản lý cần một chiến lược băng tần đúng đắn, hợp lý: triển khai ngay lập tức trên diện rộng hay chỉ tập trung ở các thành phố lớn, đảm bảo chất lượng dịch vụ cao nhất sẽ là một yếu tố mà Việt Nam cần xem xét. Tin tốt là Việt Nam không hề thiếu băng tần vì Nhà nước đã để dành đủ băng tần cho 4G.
Chính vì thế, vấn đề thứ hai chính là tiến độ. "Không nên để chậm hơn nữa mới triển khai 4G vì như thế, nhà mạng sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kinh doanh mà công nghệ này mang lại, trong lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục...". Và cuối cùng, nhà mạng cần sớm đưa ra được mô hình kinh doanh phù hợp, nhất là các mô hình kinh doanh mới để khai thác, tận dụng hết sức mạnh và ưu thế của 4G.
"Chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về chiến lược phát triển 4G sao cho phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam, mang lại lợi ích cho cả nhà mạng, người dùng lẫn xã hội, đồng thời tư vấn về công nghệ cho nhà mạng để tối ưu các lớp 2G, 3G, 4G sao cho hiệu quả nhất, cũng như làm việc cùng các nhà cung cấp thiết bị để tung ra thị trường những smartphone 4G có mức giá phù hợp với thu nhập người Việt", ông Nam cam kết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết Việt Nam "tương đối sẵn sàng về mặt băng tần" bởi đã dành hơn 200 MHz để dùng cho 4G. Tuy nhiên, giá bán thiết bị đầu cuối vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt. Những smartphone 4G khoảng 1-2 triệu đồng chưa xuất hiện nên đây sẽ là một rào cản. "Có thể khi mới triển khai, 4G sẽ chưa thể tiếp cận tất cả người dùng được mà chỉ nhắm được đến một phân khúc phía trên mà thôi. Đấy là một bài toán mà các nhà mạng đầu tư vào 4G cần tính toán".
Cuối cùng, ngành công nghiệp nội dung cần phải phát triển đồng bộ với 4G. Nếu chỉ đơn thuần là lướt web, check mail thì người dùng sẽ chẳng cần đến 4G, nhất là khi chất lượng 3G đang ngày càng tốt hơn. Công dụng của 4G chủ yếu là để xem TV, chơi game, để tải những dịch vụ dữ liệu rất lớn. Do đó, muốn phát triển 4G thì rõ ràng, doanh nghiệp nội dung nội cần phải tăng tốc và đón đầu. Nếu người dùng vẫn phải xem, sử dụng nội dung của nước ngoài thì chi phí vừa cao mà ngôn ngữ lại chủ yếu là tiếng Anh, không tương đồng với số đông, Thứ trưởng khuyến cáo.
T.Cầm
Tin liên quan
"2015 là thời điểm thích hợp để triển khai 4G"