Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X. Ảnh: Đức Huy. |
109 tác phẩm đã được vinh danh trong lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X diễn ra vào tối ngày 3/12. Mỗi bài báo, chuyên đề, cuốn sách đều đem tới một thông điệp độc đáo về hình ảnh và con người Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: “Thông tin đối ngoại cần tiếp tục là lực lượng tiên phong sắc bén, đi trước, mở đường, tạo cơ sở mọi điều kiện thuận lợi giúp đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới”. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh lịch sử để xây dựng hình ảnh một Việt Nam tự chủ, tự cường và hội nhập sâu rộng.
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X đã thu hút 1.289 tác phẩm và sản phẩm dự thi, trong đó 109 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải.
Theo Ban tổ chức, các hạng mục như báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài, truyền hình tiếp tục dẫn đầu về số lượng tác phẩm dự thi. Nội dung các tác phẩm bao quát các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa quan trọng, thành tựu quốc gia, cùng những vấn đề ưu tiên như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh.
Đặc biệt, giải thưởng góp phần quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người và giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, khẳng định vai trò tiên phong của công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh các tác phẩm báo chí, những cuốn sách cũng truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam, nhiều ấn phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau còn mang tính dự báo, định hướng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (bên phải) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại - và ông Bùi Thanh Sơn (bên phải) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - trao giải nhất cho GS.TS Trịnh Sinh. |
Phát biểu khai mạc lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo các đơn vị cần bám sát các chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cơ quan xuất bản, báo chí và truyền thông cần đổi mới sáng tạo, không ngừng khuyến khích sáng kiến trong cách tiếp cận và triển khai thông tin. Việc đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt với các đối tác chiến lược và các nước lớn, cũng được xem là một hướng đi cần thiết nhằm nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
“Những tác phẩm, sản phẩm dự giải thưởng năm nay không chỉ phản ánh đúng thực tiễn mà còn mang tính dự báo, góp phần đưa sức mạnh mềm quốc gia lên tầm cao mới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.
Nhìn lại chặng đường 10 năm của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, có thể thấy rõ những đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí và xuất bản trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định: “Các tác giả và tác phẩm được vinh danh không chỉ là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng mà còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái”. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò tiên phong của thông tin đối ngoại, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập và phát triển bền vững.
Trong buổi lễ, Hội đồng Giải thưởng đã trao 10 giải nhất, 20 giải nhì, 30 giải ba và 49 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Trong đó có cuốn sách Giải mã văn hóa Đông Sơnđược viết bằng tiếng Anh bởi GS.TS Trịnh Sinh và KS Nguyễn Văn Kính đã đạt giải nhất.
Tác phẩm đi sâu vào việc giải mã các di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, như trống đồng, thạp đồng, đồ đá, đồ trang sức và đồ gốm. Theo GS.TS Trịnh Sinh, mỗi hoa văn, hình khắc trên các cổ vật đều ẩn chứa những câu chuyện về cuộc sống vật chất, tinh thần và thế giới quan của cư dân Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm. Ông chia sẻ: “Càng nghiên cứu, tôi càng tự hào về tổ tiên chúng ta - những người đã sáng tạo nên một nền văn hóa rực rỡ”.
Cuốn sách Giải mã văn hóa Đông Sơncủa Nhà xuất bản Thế giới ấn hành. Ảnh: Nhà xuất bản Thế giới. |
Tác phẩm không chỉ là tư liệu khoa học giá trị mà còn là cầu nối quan trọng đưa văn hóa Đông Sơn đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua đó, cuốn sách đã góp phần khẳng định nền văn hiến lâu đời và độc đáo của Việt Nam, không bị đồng hóa bởi các nền văn hóa lớn hơn, như phương Bắc. Nhờ vào những thông tin phong phú và lập luận thuyết phục, Giải mã văn hóa Đông Sơnđã giúp bạn bè nước ngoài hiểu rõ hơn về một dân tộc từng đạt trình độ phát triển cao trong quá khứ, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam.
Bên cạnh giá trị về mặt nội dung, tác phẩm còn là lời cảnh báo về những thách thức trong bảo tồn di sản, khi quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang làm cạn kiệt nguồn tư liệu quý giá. Tác giả bày tỏ lo ngại: “Những cổ vật ngày càng hiếm đi, nhất là sau thời kỳ khai thác đất mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XX, khiến cho việc nghiên cứu thêm phần khó khăn.”
Trong bối cảnh đó, Giải mã văn hóa Đông Sơnđã trở thành một biểu tượng của sự bền bỉ và tâm huyết trong nghiên cứu văn hóa dân tộc. Tác phẩm không chỉ nâng tầm giá trị lịch sử, mà còn góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, đáp ứng mục tiêu chiến lược của công tác thông tin đối ngoại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
(责任编辑:Cúp C2)