Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề trên khi phát biểu thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội,ổngBíthưThànhtựuđạtđượcrấtlớnnhưngnhìnvàothựcchấtcũngrấliverpool tin tuc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10.
"Nhìn vào thực chất vẫn lo"
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn chung thành tựu chung đạt được là rất lớn, chúng ta ngày càng có kinh nghiệm, hướng vào sản xuất, kinh doanh với những con số rất đáng mừng, "nhưng nhìn vào thực chất cũng rất lo". Do đó, phải nhìn vào những mục tiêu, việc làm cụ thể để phấn đấu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân và đó mới là mục tiêu. Kết quả tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ và các số liệu vừa qua là tốt, nhưng nếu mọi nguồn lực được sử dụng tốt hơn thì kết quả còn cao hơn.
Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng là điều đáng quan tâm, so với khu vực còn thấp nên cần phải nâng lên. Các ngành nghề cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển, việc dựa vào nguồn thu từ đất đai, FDI cũng chỉ trong một giai đoạn.
Phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường, nếu không sau này tốn rất nhiều tiền mà chưa chắc bù được lại môi trường. Người dân phải được sống trong môi trường tốt, hạnh phúc, bình an.
Nhiều lần nhấn mạnh phát triển bền vững, thực chất, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý một số địa phương hiện phát triển rất tốt nhưng nếu có dự án lớn rút là "chới với", hay có sự cố gì đó thì không gượng dậy được. Do đó, ngoài đạt các chỉ tiêu, con số trước mắt thì phải nhìn vào sự phát triển bền vững.
Hay vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, kết quả thời gian qua là đáng mừng, nhưng vẫn chưa thực sự thực chất.
"Ví dụ mỗi năm người dân được đến bệnh viện chăm sóc sức khỏe, có làm được không? Có người 60-70 tuổi chưa từng được đo huyết áp, khám tai, mắt. Hay vùng sâu, vùng xa thì sao, ốm đau lại về thành phố, còn ở quê khám ở đâu. Chẳng biết mình bị bệnh gì", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, qua thực hiện sổ sức khỏe điện tử thống kê được những con số rất quý khi nắm rõ được một khu vực có bao nhiêu người có bệnh gì, từ đó mới tính toán cần bao nhiêu bác sĩ, bệnh viện, nguồn lực đầu tư, dự trù thuốc, tức điều chỉnh các chính sách khác.
Rồi giáo dục, xác định phổ cập cấp hai, cấp ba thì các cháu đến tuổi phải được đến trường, phải đủ trường lớp, thầy cô. Việc thống kê dữ liệu dân cư giúp chủ động tính toán được việc này.
Nhưng quan trọng hơn, theo Tổng Bí thư Tô Lâm là phải có sự quan tâm ngay từ cơ sở. Nhiệm vụ đó là của các cấp ủy, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục hay y tế, ai cũng phải có bổn phận, trách nhiệm.
"Ở xã thấy còn 50 cháu đến tuổi mà chưa được đi học thì phải kiến nghị lên huyện, phòng giáo dục giải quyết, không thể nói chuyện này của ngành giáo dục. Cán bộ thờ ơ thì dân thiệt", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Chủ động phối hợp, không ngồi chờ nhau
Đề cập vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng đây là tình trạng mà người dân bức xúc.
"Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chiu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí, nếu doanh nghiệp không làm thì phải thu theo quy định chứ! Vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm. Đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của Nhân dân", Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư cũng dẫn dự án chống ngập ở TP.HCM qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước bỏ ra rồi. Nếu để thế thì vẫn vi phạm, không tham ô tham nhũng thì cũng lãng phí. Hay trường hợp 2 bệnh viện được Nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi.
Câu chuyện có tiền mà không tiêu được cũng được Tổng Bí thư nêu ra. Giải ngân vốn 9 tháng chưa được 50%, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm thì có tiêu được hết không? Chương trình mục tiêu quốc gia quyết rồi ,giờ lại nói vướng cái nọ, cái kia.
"Đó là do ai? Là do mình thôi, sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được. Hằng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả. Vậy ai làm được? Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được", Tổng Bí thư nhấn mạnh và yêu cầu "phải tìm cách trả lời cho dân".
Ngoài ra, nguồn lực đất nước là không nhỏ nhưng sản xuất trong nước chưa tương xứng, chưa được phát huy cũng là điều cần suy nghĩ tìm đến tận gốc.
"Tiềm năng phải tạo ra được của cải vật chất. Tôi rất sốt ruột, không thể chờ đợi, lỡ mất cơ hội. Ai cũng nhìn thấy, mục tiêu đã rõ, chỉ tiêu thống thất, bàn nhau đồng thuận rồi thì phải cụ thể mỗi mốc đạt được cái gì, tạo tiền đề, nền tảng phát triển tốt hơn", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng phân tích, nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy sốt ruột vì họ phát triển rất nhanh. Chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, mà vươn mình lên, còn cứ cò dò thì khó khăn.
Dự án Luật Điện lực sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8. Tổng Bí thư lưu ý hạ tầng năng lượng là một trong những dẫn dắt, trụ cột, điểm đột phá. Vì các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu đều tính toán có đảm bảo năng lượng hay không. Do đó, luật phải tính toán, tạo pháp lý để đáp ứng yêu cầu.
Tính đủ điện là yêu cầu rất quan trọng, song cũng phải tính điện sạch vì Việt Nam đã cam kết quốc tế. Chính vì vậy, phải tính toán từ quy hoạch, phát triển cho đến điều hòa, cân đối các nguồn năng lượng và đảm bảo năng lượng sạch để công bố với thế giới cho nhà đầu tư yên tâm vào Việt Nam.
"Phải rất chủ động. Không phải cứ chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm mặt bằng, mấy năm tìm công nghệ… thì thời gian không cho phép. Đòi hỏi rất nhanh, đồng bộ các khâu", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.