Kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố công khai.
Hàng loạt hồ sơ dự án bị giải quyết chậm trễ, quá hạn thời gian dài
Kiểm tra việc tổ chức, vận hành Văn phòng Một cửa, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại đây chỉ bố trí 3 công chức làm việc thường xuyên để tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực môi trường, địa chất và khoáng sản. Các lĩnh vực còn lại không bố trí công chức làm việc thường xuyên.
Thanh tra Chính phủ đánh giá Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện chưa đầy đủ theo quy định của Chính phủ.
Trong giai đoạn từ năm 2021-2023, Bộ tiếp nhận 20.099 hồ sơ giải quyết TTHC và đến thời điểm thanh tra đã giải quyết hơn 16.000 hồ sơ (quá hạn 1.148 hồ sơ), đang giải quyết hơn 4.000 hồ sơ (quá hạn 93 hồ sơ).
Kết luận chỉ ra 7 hồ sơ có thời gian giải quyết bị quá hạn, thực hiện không đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. 5 hồ sơ có thời gian giải quyết bị quá hạn, thực hiện không đúng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong lĩnh vực biển và hải đảo, có 5 hồ sơ giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân có thời gian giải quyết quá hạn, thực hiện không đúng quy định.
"Có 3 hồ sơ thời gian giải quyết quá hạn nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) không ban hành phiếu xin lỗi, là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 61/2018 của Chính phủ và Quyết định số 1868/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành quy chế tiếp nhận và trả lời kết quả tại Bộ phận Một cửa", Thanh tra Chính phủ nêu.
Yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2021-2023 Bộ tiếp nhận và xử lý 3.742 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Kiểm tra xác suất, Thanh tra Chính phủ phát hiện tỷ lệ trả lời đúng hạn chỉ đạt 28%. Số lượng trả lời phản ánh, kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị chậm, quá hạn chiếm tỷ lệ lớn (72%).
Kiểm tra 194 văn bản trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính, TTHC liên quan đến lĩnh vực môi trường thì có tới 56/194 văn bản trả lời quá hạn (28,8%); lĩnh vực khoáng sản có 81/147 văn bản trả lời quá hạn (55%), biển và hải đảo có 3/4 văn bản trả lời quá hạn…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bị phát hiện chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với một số TTHC trong lĩnh vực môi trường - thực hiện không đúng quy định của Chính phủ.
"Từ các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên dẫn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến ở mức thấp, người dân và doanh nghiệp còn mất thời gian đi lại, gặp trực tiếp cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC và mất thời gian chờ đợi do giải quyết TTHC chậm, quá hạn.
Từ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm thực hiện số hóa, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử; chậm trả lời các phản ánh, kiến nghị và chậm trễ trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
"Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có 89 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và phân công cho 14 tổ chức thuộc Bộ làm đầu mối, tiếp nhận giải quyết, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, 13 đơn vị thuộc Bộ trực tiếp giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức trong 9 lĩnh vực: Môi trường, khoáng sản và địa chất, đất đai, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, viễn thám.