Vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định 37/2024 quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận đất ở, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 12/9.
Theo quy định, hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại khu vực đô thị có vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, mức tối thiểu là 40m2, tối đa là 80m2; các vị trí đất còn lại, mức tối thiểu giao 40m2, tối đa 120m2.
Ở khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, mức giao tối thiểu 40m2, tối đa 120m2; vị trí đất còn lại, mức giao tối thiểu là 60m2, tối đa 200m2.
Ở khu vực nông thôn miền núi, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và tại các khu, điểm dân cư quy hoạch mới, mức giao tối thiểu là 100m2, mức tối đa 180m2; các vị trí đất còn lại, mức giao tối thiểu 150m2, tối đa 300m2.
Đối với hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm, nuôi thủy sản không quá 1 ha cho mỗi loại đất; mục đích trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất rừng phòng hộ không quá 5 ha cho mỗi loại đất.
Hạn mức giao đất mới cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc xây dựng cơ sở tôn giáo không thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không vượt quá 0,5 ha.
Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, nuôi thủy sản đối với gia đình, cá nhân đang sử dụng do tự khai hoang, không có tranh chấp không quá 1 ha cho mỗi loại đất.
Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng đối với gia đình, cá nhân đang sử dụng do tự khai hoang, không có tranh chấp không quá 5 ha cho mỗi loại đất.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở được hình thành và sử dụng trước ngày 18/12/1980, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư thuộc khu vực đô thị thì hạn mức công nhận đất ở là 400m2, các vị trí đất còn lại hạn mức công nhận đất ở là 600 m2.
Tại khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 600m2, các vị trí đất còn lại là 1.000 m2.
Tại khu vực nông thôn miền núi, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 900m2, các vị trí đất còn lại là 1.500m2.
Trường hợp gia đình, cá nhân đang sử dụng thửa đất được hình thành và sử dụng từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 thì hạn mức công nhận đất ở tại khu vực đô thị có vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, đường trong khu đô thị, khu dân cư, hạn mức công nhận đất ở là 350m2, vị trí đất còn lại là 550m2.
Khu vực nông thôn, vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 500m2, các vị trí đất còn lại là 900m2.
Khu vực nông thôn miền núi, tại vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã, hạn mức công nhận đất ở là 800m2, vị trí đất còn lại là 1.400m2.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi thủy sản không quá 20ha đối với mỗi loại đất; đất trồng cây lâu năm không quá 100ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 150ha.
Ngoài ra, quyết định cũng quy định cụ thể về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất.
Cụ thể, đất ở thuộc khu vực đô thị có diện tích tối thiểu là 30m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường hoặc lối đi chung tối thiểu là 3m; chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường hoặc lối đi chung tối thiểu là 5m.
Đất ở thuộc khu vực nông thôn có diện tích tối thiểu là 60m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu là 4m, chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường chính tối thiểu là 5m.