Simran Balar Jain (Ấn Độ) là chủ tài khoản Instagram có 1,ửnghiệmgâysốcĐichânđấttrênphốNhậtBảntấttrắngvẫnsạc2 cúp4 triệu người theo dõi, chuyên chia sẻ những video trải nghiệm du lịch và hiểu biết về làm đẹp. Tháng 10, cô đăng tải một video ghi lại quá trình kiểm tra mức độ sạch sẽ trên đường phố Tokyo, Nhật Bản và đánh giá đây là quốc gia sạch nhất thế giới.
Jain đi đôi tất trắng mua từ cửa hàng tiện lợi, cởi giày và đi bộ dọc theo những con phố và vỉa hè đông đúc. Cuối video, cô khoe đôi tất trắng tinh của mình, bày tỏ nỗi kinh ngạc về sự sạch sẽ của đường phố với chú thích: "Thật điên rồ!". Cô mô tả trải nghiệm này là“khám phá Nhật Bản, từng bước một - theo đúng nghĩa đen”.
Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hơn 26 triệu lượt xem trên Instagram. Một người nhận xét: "Thật không thể tin được. Ở thành phố của tôi, giày của tôi luôn dính tàn thuốc, kẹo cao su và những mẩu giấy". “Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên đến thăm đất nước này. Mọi nơi đều sạch sẽ mặc dù rất ít thùng rác. Mọi người sẽ tự nguyện dọn dẹp và mang rác theo sau các lễ hội âm nhạc", người khác viết.
Jain không tiết lộ khoảng cách hoặc thời gian đi bộ trong quá trình thử nghiệm. Một người dùng mạng suy đoán rằng cô chỉ đi bộ trong khu vực quay video trong vài phút. Bình luận này dẫn đến nhiều chỉ trích rằng video của cô phóng đại sự thật.
Hiện tại, Jain vẫn chưa trả lời những chỉ trích trực tuyến. Cô chia sẻ những clip khám phá về cải tiến công nghệ của Nhật Bản như thử nghiệm sinh tố và nước cam do robot làm, bày tỏ hy vọng sẽ sớm chứng kiến những tiến bộ như vậy ở Ấn Độ.
Năm 2023, Tokyo được công ty tư vấn toàn cầu Mercer Eco-City xếp hạng là một trong 10 thành phố sạch nhất thế giới. Nhật Bản nổi tiếng với những con phố sạch sẽ, hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và mức ô nhiễm tối thiểu. Tính sạch sẽ đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản, được coi là sự phản ánh của trật tự và kỷ luật. Hành vi xả rác là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng xã hội.
Tokyo, nơi đang có gần 14 triệu cư dân sinh sống, có rất ít thùng rác công cộng vì hầu hết mọi người đều mang rác về nhà. Xả rác là hành vi bất hợp pháp ở Nhật Bản, người vi phạm có thể bị kết án tới 5 năm tù và số tiền phạt có thể lên tới 10 triệu yên (1,6 tỷ đồng).
Các trường học Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc giáo dục vệ sinh. Từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được dạy về tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân bằng cách tự dọn dẹp lớp học của mình thay vì dựa vào lao công. Việc thực hành này nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm và tinh thần của trẻ từ khi còn nhỏ. Hơn nữa, giữ gìn vệ sinh là trọng tâm của các nghi lễ thanh lọc và thiền định trong các tôn giáo Nhật Bản.
Nhật Thùy(Nguồn: SCMP)