Chiều 16-6,ốchộithôngquahailuậbồ đào nha vs chile với tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành lần lượt là 91,30% và 90,27%, Quốc hội chính thức thông qua hai luật, gồm: Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện tử, chiều 16-6. Ảnh: Quochoi.vn
Tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và cống hiến
Thực hiện chương trình kỳ họp, chiều 16-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) bằng hệ thống điện tử. Kết quả có 91,30% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều.
Theo đó, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi, được Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Đồng thời, được áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) nêu rõ, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận trực tuyến ngày 25-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Theo đó, dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”; để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại
Tiếp đó, cũng tại phiên làm việc chiều 16-6, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua bằng hệ thống điện tử.
Kết quả biểu quyết có 90,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 Chương, 42 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật mới được thông qua quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật quy định các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại theo nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ; Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại; Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định; Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc; Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.
Đáng chú ý, về kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về bảo mật thông tin, Luật quy định rõ: Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
TheoNDĐT