Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có động thái bất ngờ khi lần đầu tiên ban bố thiết quân luật sau hơn 4 thập kỷ, khiến Mỹ và đồng minh khác của nước này lo ngại.
Trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào đêm 3/12, nhà lãnh đạo Hàn Quốc tuyên bố áp đặt thiết quân luật, đồng thời cáo buộc phe đối lập làm tê liệt chính phủ bằng "hoạt động chống nhà nước".
Sắc lệnh 6 điểm do vị chỉ huy thiết quân luật mới - Tổng tư lệnh quân đội Tướng Park An-su nhanh chóng được ban hành sau đó, cấm hoạt động chính trị và đảng phái, "tuyên truyền sai sự thật", đình công và "những cuộc tụ tập kích động bất ổn xã hội".
Lệnh này cũng áp dụng thiết quân luật với tất cả cơ quan truyền thông và chỉ đạo nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ đang đình công phải quay trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.
Chuyện gì diễn ra tiếp theo?
Lực lượng an ninh Hàn Quốc phong tỏa Tòa nhà Quốc hội và trực thăng hạ cánh trên nóc tòa nhà. Ngay sau đó, quân đội cũng tiến vào bên trong tòa nhà nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp vào bên trong.
Nhưng 190 nhà lập pháp tham gia và bỏ phiếu nhất trí bác tuyên bố của Tổng thống Yoon Suk-yeol, ra nghị quyết dỡ bỏ thiết quân luật. Bên ngoài, hàng trăm người biểu tình tụ tập, nhiều người hô vang khẩu hiệu kêu gọi bắt giữ ông Yoon Suk-yeol.
Theo quy định, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho Quốc hội sau khi ban bố thiết quân luật. Nếu đa số nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống phải tuân thủ.
Sau cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã lùi bước. Nội các của ông cũng chấp thuận động thái dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.
"Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và chúng tôi đã rút quân đội được triển khai để thực hiện hoạt động thiết quân luật",ông Yoon Suk-yeol phát biểu trên sóng truyền hình Hàn Quốc.
Theo hiến pháp Hàn Quốc, cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về việc dỡ bỏ thiết quân luật phải được tôn trọng.
Vì sao ông Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật?
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hành động của ông nhằm bảo vệ nền dân chủ tự do của đất nước khỏi "thành phần chống nhà nước" nhưng không cung cấp nhiều chi tiết. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về ngân sách giữa ông Yoon Suk-yeol và đảng Dân chủ đối lập vẫn đang diễn ra.
Phe đối lập cắt giảm khoảng 4,1 nghìn tỷ won từ ngân sách 677 nghìn tỷ won do ông Yoon Suk-yeol đề xuất cho năm tới. Hành động này khiến Tổng thống Hàn Quốc phàn đối, cho rằng "tất cả ngân sách quan trọng cần thiết cho chức năng cốt lõi của quốc gia"đều bị cắt giảm.
"Ông Yoon Suk-yeol là nhà lãnh đạo kém hiệu quả và không được lòng dân. Ông đang gặp khó khăn trong việc nhận được sự ủng hộ của công chúng cho bất kỳ điều gì ông cố gắng thực hiện. Việc sử dụng thiết quân luật gần giống động thái tuyệt vọng để cố gắng thoát ra, xét về cả chính trị lẫn chính sách. Thực tế nó không hiệu quả trên cả hai mặt trận",cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại châu Á Alan Yu nói.
Ông Yoon Suk-yeol đối mặt với điều gì?
Trong nước, áp lực đè nặng lên ông Yoon Suk-yeol sau vụ việc gây chấn động đêm qua. Đảng đối lập chính của Hàn Quốc yêu cầu ông Yoon Suk-yeol từ chức và buộc ông về tội "nổi loạn".
Nhóm công đoàn lao động chính của Hàn Quốc cũng kêu gọi "cuộc tổng đình công vô thời hạn"cho đến khi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức vì "biện pháp phi lý và phản dân chủ".Đảng Quyền lực Nhân dân mô tả nỗ lực áp đặt thiết quân luật của ông Yoon Suk-yeol là "thảm kịch" và yêu cầu những người liên quan phải chịu trách nhiệm.
Động thái của Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các đảng đối lập. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung gọi quyết định của Tổng thống là "vi hiến" và kêu gọi điều tra người đứng đầu chính phủ.
Hàn Quốc là đồng minh quan trọng của phương Tây ở châu Á. Washington cho biết họ "cảm thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Hàn Quốc đảo ngược quyết định"về lệnh thiết quân luật.
"Chúng tôi nhẹ nhõm khi Tổng thống Yoon đã đảo ngược quyết định về lệnh thiết quân luật đáng lo ngại của mình và tôn trọng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc nhằm chấm dứt lệnh thiết quân luật. Dân chủ là nền tảng của liên minh Mỹ - Hàn Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình",người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết hôm 3/12.
Trước đó, Anh và Đức đều thông tin họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến. Trung Quốc cũng kêu gọi công dân thận trọng, trong khi Nga gọi tình hình này là "đáng báo động".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đề cập đến khả năng các nước phương Tây có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Hàn Quốc để đáp trả các báo cáo về việc trấn áp các cuộc biểu tình chính trị ở nước này.