Khái niệm Captcha được sáng lập vào thập niên 2000 bởi các kỹ sư ở Trường ĐH Carnegie Mellon. Đây là cụm từ viết tắt của ‘Completely Automated Public Turing test to tell Computers and Humans Apart’, tạm dịch là bài kiểm tra Turing tự động hóa công khai để xác định người hay máy. Turing ở đây là tên của nhà khoa học máy tính Alan Mathison Turing sống vào đầu thế kỷ 19 ở Anh, người từng đưa ra phép thử nổi tiếng để kiểm tra trí tuệ của máy tính nhằm phân biệt ai mới là con người. Điều buồn cười là sau khi được con người phát minh ra để ngăn chặn spam/bot trên mạng Internet, hàng nghìn con người khác lại được trả tiền để nhập mã Captcha như những cái máy nhằm qua mặt hệ thống. Đây chính là khởi đầu cho công việc gõ Captcha kiếm tiền từng được quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam giai đoạn thập niên 2010 và vẫn còn kéo dài cho tới tận ngày nay. Đã có thời điểm, những mẫu tuyển dụng gõ Captcha kiếm tiền xuất hiện tràn lan ở nước ta, mà chủ yếu là để lừa đảo sinh viên, những người nhẹ dạ cả tin. Cho đến giờ, những mẩu tin tuyển dụng như vậy vẫn còn tồn tại rải rác đâu đó trên mạng xã hội, chờ những con mồi sập bẫy, nhất là trong tình cảnh khó khăn vì Covid-19 như hiện nay.
Đây là công việc lợi bất cập hại mà số tiền kiếm được tính ra chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng/giờ (nếu làm đúng yêu cầu). Tức khoảng dưới 1,5 USD cho mỗi 1.000 lần nhập mã đúng, không tính rủi ro khi bị khóa tài khoản và bị mất tiền nếu nhập sai quá nhiều. Thực tế, người gõ Captcha chỉ rút được tiền khi số dư trong tài khoản đạt đến mức tối thiểu. Đen đủi hơn, các trang gõ Captcha có thể bùng tiền ngay trước khi có người kịp rút tiền ra. Đấy là chưa kể chi phí điện nước, ăn uống, khấu hao hỏng hóc máy tính, bàn ghế mà những người gõ Captcha kiếm tiền không hề nghĩ đến. “Lúc trước còn dễ, nhưng giờ thì vì thường xuyên bị vượt mặt, nên độ quái của các đoạn mã ngày càng tăng. Các ký tự ẩn hiện như đánh đố, nhầm lẫn giữa i với l, 0 với o như cơm bữa. Mà theo luật sai một ký tự là đi tong luôn”, chia sẻ của một thành viên trên diễn đàn Voz. Về sau, Google đã mua lại và phát triển Captcha lên một tầm cao mới, gọi là reCaptcha. Đây chính là hệ thống chống spam/bot khiến người thật cũng phải toát mồ hôi với những pha xác định biển báo, đèn giao thông, cây cầu, xe ô tô mang đầy tính đánh đố.
Dù vậy, gõ Captcha vẫn có đất sống của riêng nó. Những trang gõ Captcha kiếm tiền nổi tiếng trên thế giới vẫn có không ít người tham gia dù sức nhọc công rẻ. Thống kê trên Kolotibablo cho thấy có tới 111 người Việt tham gia nền tảng này, chỉ kém người Indonesia (234) và người Venezuela (401). Một thống kê khác trên 2Captcha chỉ ra vẫn có khoảng gần 3.000 người online hàng ngày để làm công việc gõ Captcha. Dù không được khuyến khích, gõ Captcha vẫn tìm được cách tồn tại như một hình thức kiếm tiền online (MMO) được quảng cáo là đơn giản, dễ dàng cho tất cả mọi người. Và chỉ đến khi tham gia sâu vào nó, người ta mới phát hiện ra vừa mất thời gian công sức mà lại tiếp tay cho tin tặc phá hoại hệ thống tài nguyên Internet toàn cầu. Phương Nguyễn Hội nhóm ở Việt Nam lại mọc lên như nấm sau khi bị Facebook truy quét48 giờ sau khi bị Facebook thanh lọc, nhiều hội nhóm trên Facebook bắt đầu được lập trở lại để lôi kéo thành viên. |