Theo các báo cáo, tuổi thọ của một số tên lửa ATACMS đã hết hạn vào năm 2015. Trong năm tài chính 2016 quân đội Mỹ đã chi 30,1 triệu USD để nâng cấp 10 tên lửa loại này nhằm kéo dài thời gian phục vụ của chúng thêm 10 năm. Tuy nhiên đến năm 2025, theo tài liệu cho biết, những tên lửa này sẽ lại hết niên hạn sử dụng.
Trong các năm tài chính thuộc giai đoạn 2016-2021, quân đội Mỹ đã chi 1,22 tỷ USD để nâng cấp 1.075 quả ATACMS. Năm 2020, có 240 tên lửa mới đã được mua thêm, nâng tổng số lên 1.575 quả, tính đến tháng 3/2023.
Do ATACMS đã lỗi thời nên quân đội Mỹ đang tích cực thay thế chúng bằng loại tên lửa tấn công chính xác (PrSM) hiện đại hơn. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, 42 tên lửa PrSM đã được mua trong năm tài chính 2023 và 110 tên lửa vào năm 2024 trong khi năm 2025 đã lên kế hoạch mua 230 tên lửa.
Chi phí cho một tên lửa ATACMS là khoảng 1 triệu USD, trong khi đơn giá của PrSM là hơn 2 triệu USD. Những dữ liệu này có thể giải thích lý do tại sao Ukraine nhận được 33,3 tỷ USD vũ khí thông qua chương trình xóa nợ thuộc khuôn khổ quyền hạn của tổng thống trong khi Lầu Năm Góc đã chi 45,7 tỷ USD để thay thế kho vũ khí của mình.
Trước đó, New York Timesdẫn lời của những quan chức giấu tên cho biết Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo các nguồn tin, các cuộc tấn công đầu tiên vào sâu trong lãnh thổ Nga có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS. Tuy nhiên, cùng với các mục tiêu đã nêu là hỗ trợ Ukraine, việc chuyển giao chúng cho phép Mỹ giảm hàng triệu USD cho việc lưu trữ và bảo dưỡng các hệ thống cũ kỹ.
"Washington đã tận dụng cơ hội này để loại bỏ các tên lửa cũ như ATACMS, đồng thời nâng cấp kho vũ khí của mình thông qua nguồn kinh phí được phân bổ cho việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine", các nguồn tin nêu rõ.
Theo RIA Novosti, Pravda