- Buổi trò chuyện của GS Hồ Ngọc Đại cuối tuần qua thu hút sự quan tâm của công chúng nhiều hơn so với thông lệ của những buổi “cà phê Thứ Bảy” khác: Bắt đầu sớm hơn 30 phút,àphêvớiGSHồNgọcĐạkq arsenal khách đến chật kín, có người phải về giữa chừng vì không có chỗ ngồi.
>> Sách Tiếng Việt 1 CNGD có xuất hiện trong chương trình phổ thông mới?
>> Bộ GD-ĐT lên tiếng về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục
“Tôi không biết nói khéo”
Dù đã qua cao trào thời sự, nhưng GS Hồ Ngọc Đại và những vấn đề liên quan như Tiếng Việt lớp 1, Công nghệ giáo dục, trường Thực nghiệm và quan niệm về giáo dục của ông… vẫn tiếp tục “gieo bất hòa” (tít một bài báo viết về ông 15 năm trước) trong buổi nói chuyện này.
| ||
Khác với buổi Cà phê Số tổ chức cũng vào thứ Bảy 2 tuần trước đó, lần này GS Đại có ít thời gian tự sự hơn (1 tiếng so với 2 tiếng); nhiều thời gian đối thoại với công chúng hơn (2 tiếng so với 20 phút).
Vẫn nhất quán cách nói chuyện hùng hồn, nhưng từ ngữ ông dùng đã bớt phần gai góc.
Trong suốt phần mở đầu kéo dài 1 tiếng đồng hồ, ông đứng kể chuyện với vẻ say sưa vốn có. Ông nhớ lại buổi thực tập 45 phút khi còn là một anh giáo trẻ, nhớ lời khuyên của người bạn nên đi học tâm lý sư phạm, nhớ tới quá trình đi học ở Nga đã mang tới cho mình những giá trị mới như thế nào…. Câu chuyện tiếp kiến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về nước với lời khẳng định “cuộc cải cách giáo dục sẽ không thành công” vẫn được ông hồi tưởng lại một cách sinh động.
“Ở đời, không có gì hơn cái thật. Tôi thường không biết nói khéo, có thể người ta hơi khó chịu, nhưng rút cục cái mà mọi người nói chuyện với nhau vẫn là nội dung. Moi giải quyết của tôi đều căn cứ trên triết học và lịch sử mang lại ích lợi cho người dùng” - ông bộc bạch khi kết thúc phần tự sự.
Đối thoại nóng rẫy
TS Giáp Văn Dương, người dẫn chương trình nhắn nhủ khán giả trao đổi tự nhiên và thân tình; không phải để xác định “ai đúng, ai sai” mà để giáo lưu học hỏi, đón nhận cách nhìn, cách nghĩ mới và cách làm mới; đồng thời cần tuân thủ những nguyên tắc của tranh luận.
TS Dương tóm tắt CNGD “theo cách hiểu của mình” và gợi mở một số hướng thảo luận.
GS Hồ Ngọc Đại đứng đối thoại với công chúng trong cả buổi tọa đàm Ảnh: Thúy Nga |
Theo anh, bản chất của CNGD là quá trình chuyển từ tay vào não, chuyển từ ngoài vào trong. Để đi trọn vẹn một quá trình, trong phương pháp giáo dục còn cần phải thiết kế làm sao để chuyển từ trong ra ngoài.
Thứ hai, cơ sở triết học của phương pháp giáo dục của nhóm CNGD là duy vật biện chứng, tức đi từ ngoài vào trong. Nó là cơ sở vật chất của triết học và tâm lý học.
“Ở chỗ này, tôi nhìn thấy rõ sự tự hào của GS Hồ Ngọc Đại về tâm lý học đã vượt qua triết học ở chỗ: Nếu như triết học trước đây bị đánh giá chỉ là tư biện, chỉ là chữ, là lời, giờ đây đã có vật chất, phương pháp để chuyển từ tay lên não, từ ngoài vào trong”.
Tiếp đó, anh nêu phản biện: Thời đại bây giờ cũng đã đi xa hơn một bước. Ngành khoa học nhận thức giờ đây đang đánh giá tâm lý cũng chỉ là tư biện. Bây giờ, đo sóng não, tìm hiểu quá trình vận hành của não,… người ta thấy: Thực tại mà chúng ta đang sống rất có thể không chỉ là thực tại khách quan. Anh đi mua cái bàn không phải là mua cái bàn vật chất khách quan đâu, mà là cái bàn đẹp, cái bàn anh thích, cái bàn anh thấy phù hợp, mà cái bàn đó là cái bàn hoàn toàn chủ quan ở trong đầu của anh. Như vậy, thực tại mà chúng ta đang sống vào thực chất là một thực tại kép, chứ không phải là một thực tại đơn. Đó vừa là thực tại chủ quan, vừa là thực tại khách quan. Vậy thì giáo dục sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Và cuối cùng, khi thiết kế những nội dung giáo dục hoặc bộ SGK phải hiểu rõ các nguyên tắc thiết kế; thậm chí đi xa hơn nữa là định rõ triết lý giáo dục.
Buổi thảo luận ngay sau đó đã được “phát nổ” bởi một giáo viên dạy tiểu học đã gần 40 năm ở phường Bách khoa, Hà Nội. Bà giáo, cùng với một số người bạn đã phản ứng mạnh mẽ với GS Đại với những câu hỏi như: Tại sao lớp 1 dạy đọc là a bờ cờ đến lớp 2 lại đọc a bê cê?; Tại sao giáo dục thường xuyên cải cách, mức lương tháng làm sách giáo khoa mới có phải từ 12-15.000 USD?; …
Cô giáo dạy tiểu học gần 40 năm đặt nhiều câu hỏi với GS Đại. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bà thậm chí còn định đọc thư gửi Bộ trưởng Giáo dục ngày 5/9 mang sẵn từ nhà đi. Mặc dù đã được người dẫn chương trình yêu cầu dừng lại vì “lạc đề”, thế nhưng trong buổi thảo luận, vẫn không ít câu hỏi tiếp tục đặt thắc mắc về cách đánh vần của bộ sách tiếng Việt 1. Khi phần trả lời chưa được như ý hoặc có những thông tin được GS Đại nhấn mạnh thái quá, những lời bình phẩm “vớ vẩn” thỉnh thoảng lại được cất lên.
TS Dương hướng đối tượng hỏi sang những người trẻ hơn. Những cánh tay giơ lên đến từ nhiều thành phần: sinh viên luật, sinh viên sư phạm, giáo viên tiểu học, nhà hoạt động xã hội, người chuyên đi xây trường ở miền núi, các phụ huynh…
Dường như, các ý phác thảo mà người dẫn chương trình nêu ra từ đầu đã bị lãng quên. Khán giả chủ yếu nêu những khó khăn làm phiền họ, xin lời khuyên vài điều cụ thể để áp dụng cho con cái, hoặc quay lại thắc mắc về kiến thức Ngữ âm của GS Đại, v,v…. Nói như một người quan sát sau sự kiện, để trả lời những câu hỏi này phải là ông Bộ trưởng Giáo dục hay Phó Thủ tướng.
GS Đại khá kiên nhẫn khi trả lời từng câu hỏi, dù nội dung ông trả lời đã xuất hiện nhiều trong các phát biểu, trên những bài báo gần đây.Cũng có những câu trả lời khiến người hỏi bực tức vì cho rằng bị “lạc đề”, “không có thông tin gì”….
GS Hồ Ngọc Đại giới thiệu về CNGD. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Với những câu hỏi cụ thể về CNGD, ông trả lời khá rõ ràng.
Chẳng hạn, trước băn khoăn ông có phải là người bắc cầu tư tưởng của John Dewey - nhà giáo dục thực nghiệm nổi tiếng của Mỹ đầu thế kỷ 20 - GS Đại nói khi nghiên cứu, ông không đọc John Dewey, “nhưng khi về Việt Nam, tôi có đọc và thấy rất nhiều cái giống nhau. Trong khoa học, gặp nhau là chuyện bình thường”.
Khi trả lời một câu hỏi liệu CNGD có "bó cứng" giáo viên, GS Đại giải thích: Trong một xã hội tiến tới cơ chế phân công tác, thì ở lĩnh vực giáo dục, thầy giáo và cha mẹ học sinh có 2 chức năng, 2 trách nhiệm khác nhau đối với một đứa trẻ. 2 bên cộng tác với nhau nhưng không làm hộ nhau, không làm thay nhau và không dồn cho nhau. Như thế, đứa trẻ sẽ được hưởng 2 cái lợi lớn nhất ở nhà trường với thầy giáo và ở nhà với cha mẹ.
Đây cũng là cách tiếp cận của ông với từng “vai”, chứ không phải ông phủ nhận vai trò của giáo dục gia đình. “Đứa trẻ luôn luôn cần đến gia đình, nhất là trẻ tiểu học. Đừng buông lỏng trẻ em cấp tiểu học”.
Đến năm 2017, GS Đại đã tự viết xong 2 bộ sách tiểu học Toán và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Khi được hỏi tại sao vẫn chưa có sách ở các bậc học cao hơn, GS nói hiện nay nhóm Cánh Buồm, một nhóm làm sách theo tinh thần CNGD đang viết tới bậc THPT.
Dư âm
Đến buổi tọa đàm nhưng không còn chỗ, TS Phạm Thị Ly, một người làm nghiên cứu chính sách giáo dục ở TP.HCM đã theo dõi phần đầu buổi nói chuyện và sau đó quay về. Xem qua live stream, TS Ly gửi thắc mắc:
“Em cho rằng đòi hỏi của công chúng về việc các chương trình thực nghiệm giáo dục cần được nghiên cứu, được tiến hành một cách thận trọng, bài bản và được đánh giá kết quả một cách độc lập, khách quan, dựa trên những phương pháp đáng tin cậy, là một đòi hỏi chính đáng. Cá nhân em ủng hộ quan điểm "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" của GS, nhưng không rõ lý thuyết đó có kết quả như thế nào trong thực tế. Nếu có kết quả tốt, nó lẽ ra phải được chính thức thừa nhận và nhân rộng. Xin được hỏi giáo sư, sau 40 năm, chương trình CNGD có được tiến hành đo nghiệm để đánh giá không? Nếu có, nó do đơn vị nào thực hiện, dựa trên phương pháp nào, kết quả ra sao và công bố ở đâu? Nếu nó chưa được thực hiện, thì vì sao?”.
GS Nguyễn Ngọc Lanh - người có nhiều đồng cảm trong quan niệm giáo dục với Hồ Ngọc Đại - chia sẻ:
“Lần được giải thưởng Phan Châu Trinh, tôi phải tham khảo những người trước để soạn diễn từ. Tôi đọc kỹ bài của Hồ Ngọc Đại, rất dài, cả một bầu tâm sự. Tôi hiểu thêm sự cô độc của một người đầy tâm huyết nhưng rất tự tin mình có chân lý”.
Đến buổi cà phê, GS Lanh hy vọng lẽ ra nó có thể thành công hơn.
Theo ông, nhiều câu hỏi rất dễ trả lời thỏa đáng, nhưng nội dung và cách trả lời chưa làm người hỏi thỏa mãn. Nhiều thầy cô giáo nêu những khó khăn làm phiền họ, nhưng đó là do chương trình của Bộ GD-ĐT, lẽ ra chỉ cần hướng dẫn họ tìm nơi khác để đặt câu hỏi thì thích hợp hơn…
Lê Đăng Ninh là chủ một xưởng dạy vẽ cho trẻ em có uy tín ở Hà Nội. Đến buổi cà phê khi đã chật kín ghế, Ninh lần vào tận phía cửa sổ và xung phong hỏi được một câu.
Là người đang trực tiếp làm giáo dục với trẻ em, anh đồng cảm với quan điểm giáo dục của GS Đại: Dạy học tới cá nhân hóa, thế hệ trẻ sinh ra từ ngày 1/1/2001 là thế hệ khác hẳn với trước đó.
Anh mang tới 2 khó khăn mình đang gặp phải là nguồn nhân lực giáo viên và đối phó với phụ huynh để tìm tư vấn từ GS Đại. Ninh từng tuyển nhiều sinh viên sư phạm để huấn luyện theo quan điểm giáo dục của mình, nhưng ngay cả các bạn trẻ này cũng đã quen nếp cũ; còn phụ huynh thì thường muốn can thiệp vào sản phẩm, quá trình đào tạo của học sinh.
“Quan trọng nhất trong giáo dục là thiện chí. Anh thiện chí thế nào thì trẻ nó biết cả. Hai khó khăn của anh tôi rất đồng cảm. Nhưng cứ vào việc đi, anh đi đúng thì anh cứ làm!”, GS Đại trả lời khi Ninh hỏi “bí quyết”.
Còn Nguyễn Quốc Vương, một thầy giáo lịch sử và là dịch giả của nhiều cuốn sách Nhật bày tỏ:
“Tôi xem livestream đoạn cuối còn thấy gay cấn. Nhưng chỉ gay cấn bề ngoài cảm tính". Anh nhìn nhận việc nhiều khán giả, trong đó có cả thanh niên và giáo viên trước khi đến tọa đàm mà không đọc gì để hỏi cho sâu thì đáng tiếc.
Theo anh, những vấn đề liên quan tới CNGD đáng được tranh luận “cho ra ngô, ra khoai” chứ không chỉ dừng lại bên ly cà phê.
Một hội thảo về CNGD, mời các TS, PGS giáo dục học đang giảng dạy ở các trường đại học, đặc biệt là khối sư phạm và các viện nghiên cứu sư phạm đến trình bày, phản biện sẽ có ích. Công chúng có tham dự nghe và bình luận sau khi các nhà khoa học trình bày, phát biểu; thay vì đơn thuần là ‘xả’ những bức xúc chung chung về giáo dục.
Hạ Anh – Thúy Nga
“Tôi hoàn toàn ủng hộ cách dạy tiếng Việt một cách khoa học, đi vào bản chất, dạy ngữ âm trước, dạy ngữ nghĩa, ghép vần, ngữ pháp, văn phạm sau.”