Trong bối cảnh thanh khoản thị trường co hẹp, tâm lý nhà đầu tư đẩy lên cao thì việc các chỉ số tăng đầu phiên rõ ràng là một yếu tố bất lợi. VN-Index mở cửa nhảy điểm lên vùng 1.130 điểm nhưng ngay lập tức quay đầu.
Tạm đóng cửa phiên sáng 12/12, VN-Index điều chỉnh 1,28 điểm tương ứng 0,11% còn 1.124,22 điểm; HNX-Index tăng 0,19 điểm tương ứng 0,08% và UPCoM-Index giảm 0,23 điểm tương ứng 0,26%.
Thanh khoản toàn sàn HoSE suốt phiên sáng mới chỉ đạt 303 triệu cổ phiếu tương ứng 6.560 tỷ đồng trong khi con số này trên HNX là 43 triệu cổ phiếu tương ứng 801 tỷ đồng và trên UPCoM là 12 triệu cổ phiếu tương ứng 153 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm với 410 mã giảm giá, 18 mã giảm sàn so với 347 mã tăng, 14 mã tăng trần trên cả 3 sàn.
Phần lớn cổ phiếu ngân hàng phủ sắc đỏ trên bảng điện tử, kìm hãm VN-Index, dù vậy, các mã này chỉ dao động trong biên hẹp. BID, LPB, STB là những mã hiếm hoi tăng giá.
Giữa lúc thị trường lình xình, cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản tiếp tục gây chú ý. POM có lúc tăng trần lên 5.810 đồng trước khi hạ độ cao xuống 5.650 đồng, tăng 4,1%. TTP tăng 3%; HAP tăng 3%; DLG tăng 2,5%; PTB tăng 1,7%; NKG, HSG và TLH cũng đều tăng giá.
Cổ phiếu HPG gây chú ý với diễn biến tăng 1,6% lên 27.950 đồng, khớp lệnh dẫn dầu thị trường, đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngành công nghệ thông tin sáng nay khá tích cực, phần lớn tăng giá. FPT tăng 1,4% lên 96.300 đồng. Cổ phiếu FPT hiện giao dịch tích cực trước vùng đỉnh cũ xấp xỉ 100.000 đồng.
Mới đây, trong hai buổi làm việc với Chủ tịch kiêm CEO của Nvidia, Jensen Huang, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cho biết, công nghệ AI, chip, điện tử là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Bình bày tỏ mong muốn sẽ đồng hành cùng với Nvidia đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính...
Ngành bất động sản không có sự phân hóa nhất định. Trong khi HAR tăng 5,9%; DXS, DXG, SZC, SCR, QCG tăng tốt hơn 1% thì TN1, FIR, ITA, NBB, TDH lại giảm giá khá mạnh. VIC tăng 0,1% lên 44.100 đồng.
Như vậy, VIC đã có 3 phiên liên tục tăng giá trong khi FPT diễn biến tích cực trước vùng đỉnh cũ.