Tại lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị ngành GD-ĐT Hà Nội cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, trước mắt, ngành GD-ĐT cần tập trung tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh Thủ đô, chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh Hà Nội đạt kết quả cao nhất về kết quả tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Thứ hai, Sở GD-ĐT chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã huy động hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp GD-ĐT; đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự: đang thiếu trường học, đang phải học tạm, thiếu trường đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cây xanh, tạo môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.
Ưu tiên thực hiện công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, đi liền song song với việc nâng cao chất lượng đại trà. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy và học, gắn với việc xây dựng trường học điện tử. Chú trọng giảng dạy ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em vùng nghèo, vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, với các thầy cô giáo, ông Ngọc Anh bày tỏ mong muốn mỗi nhà giáo của Thủ đô luôn tiếp tục gương mẫu về mọi mặt, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới cách dạy, cách học để có thêm nhiều học sinh chăm ngoan, học giỏi hơn nữa.
“Làm sao để mỗi thầy cô thực sự là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nói.
Thứ tư, với các học sinh, ông Ngọc Anh cho hay, lãnh đạo TP và các thầy cô luôn mong các em ghi nhớ và thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, không ngừng học tập, rèn luyện, sáng tạo và đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong tương lai; biết quan tâm, giúp đỡ bạn bè, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn; cùng thi đua, cùng tiến bộ, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của Thủ đô và đất nước, góp phần khẳng định vị thế của dân tộc, đất nước trên trường quốc tế.
Trong năm học qua, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và có bước phát triển mạnh; Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đến nay, toàn thành phố có 2.835 đơn vị trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Tính đến tháng 4/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3% (1.802/2.802), trong đó công lập là 79% (1.766/2.236); 22 trường chất lượng cao trong đó có 16 trường công lập.