Trong khi lãnh đạo của hai siêu cường thế giới tận hưởng bữa tối với bít-tết và rượu vang ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12, thì tại Canada, một công dân Trung Quốc xuất thân trâm anh thế phiệt đã mắc kẹt vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, đã bị bắt khi đặt chân xuống sân bay YVR tại Vancouver lúc 11h sáng để đón chuyến bay chuyển tiếp tới Mexico.
Bà Mạnh, 46 tuổi, bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Ngoài chức vụ CFO, bà Mạnh còn chính là ái nữ của chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi.
Hơn một tuần sau, ngày 11/12, tòa án Canada chấp thuận cho phép bà Mạnh Vãn Châu được bảo lãnh với 7,5 triệu USD. Trong thời gian tại ngọai, bà chịu sự giám sát của hai nhân viên bảo vệ, một tài xế cùng thiết bị định vị GPS 24/24.
Trung Quốc cũng không đợi lâu để bắt đầu động thái trả đũa. Ngày 10/12, cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig bị phía Trung Quốc bắt giữ. Chỉ 2 ngày sau, nước này tiếp tục tạm giữ Michael Spavor, một công dân khác của Canada. Cả hai vụ bắt giữ đều không được Bắc Kinh giải thích lý do chi tiết.
“Ở Trung Quốc, chẳng có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào cả. Trong trường hợp này rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn gia tăng áp lực hết cỡ với chính phủ Canada”, Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, trả lời phỏng vấn đài CBCmột ngày sau khi ông Kovrig bị bắt.
Theo một nguồn thạo tin về quan hệ Canada – Trung Quốc, hai vụ bắt giữ được Bộ An ninh Trung Quốc thực hiện. Canada nên dự liệu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra những lời đe dọa trả đũa tiếp theo. “Cá nhân tôi tin rằng nếu Canada dẫn độ bà Mạnh về Mỹ, sự trả đũa của Trung Quốc có thể còn tệ hơn việc bắt giữ công dân Canada”, Tổng biên tập tờ Global TimesHồ Tích Tiến nhận định.
Dẫu vậy, dù liên tục lên tiếng đòi trả tự do cho bà Mạnh và tuyên bố sẽ không để công dân bị bắt nạt, Trung Quốc dường như chỉ nhắm vào Canada và hạn chế chỉ trích Washington, tránh leo thang thêm căng thẳng và sụp đổ thỏa thuận đình chiến cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, vốn đã đạt được ở Argentina trước đó.
Vài ngày trước cuộc gặp ở Buenos Aires, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Wall Street Journal: “Trung Quốc phải mở cửa với Mỹ. Nếu không, tôi không thấy được khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”.
Đây không phải lần đầu tiên diễn ra đối đầu giữa Mỹ, với mức thâm hụt thương mại khổng lồ, và một quốc gia châu Á có khả năng đe dọa thế dẫn đầu của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Washington luôn phẫn nộ về việc các “siêu cường” mới nổi tiếp cận được công nghệ của Mỹ theo phương thức “đánh cắp”. Theo quan chức Mỹ, bàn tay của chính phủ các nước này đang chống lưng, đưa các doanh nghiệp lên vị trí ưu thế trên toàn cầu. Mỹ giờ đang đối mặt với thách thức tương tự như cách đây 3 thập niên – thách thức đến từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giữa những năm 1980, Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và là đối thủ hàng đầu mà cựu tổng thống Ronald Reagan cần giải quyết. Năm 1984, mức thâm hụt thương mại của Mỹ lần đầu tiên tăng cao tới hơn 100 tỷ USD. Phe Dân chủ hối thúc đáp trả các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ bằng biện pháp thuế quan và Nhật Bản là mục tiêu hàng đầu.
Trước việc Mỹ liên tiếp gây sức ép bằng cách đưa ra các hạn chót và đe dọa áp thuế, Tokyo đi đến quyết định lịch sử trong động thái nhượng bộ lớn, bao gồm việc ký kết Thỏa ước Plaza 1985, đồng ý để đồng yen tăng giá so với USD. Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc xuất khẩu đối mặt với thiệt hại nặng nề, buộc nước này cắt giảm lãi suất thị trường, tạo ra bong bóng tài sản mà khi vỡ, đẩy Nhật Bản từ vị trí thống trị thị trường toàn cầu mạnh mẽ vào vòng xoáy khó khăn.
Ngày 22/9/1985, tại khách sạn Plaza, thành phố New York, Mỹ, Nhật Bản cùng 3 nước châu Âu tuyên bố văn kiện được gọi là Thỏa ước Plaza, kêu gọi giảm giá đồng USD. Mục tiêu là để hàng xuất khẩu Mỹ trở nên hấp dẫn hơn và giảm thâm hụt thương mại. Trước khi thỏa ước được ký kết, 1 USD đổi được 240 yen nhưng chỉ trong vòng một năm, 1 USD chỉ còn 154 yen.
Ronald Reagan, tổng thống đương nhiệm lúc đó, muốn tiến xa hơn nữa. Một ngày sau cuộc gặp ở Plaza, ông phát biểu trước một doanh nghiệp rằng: “Việc các chính phủ cho phép làm giả, làm nhái sản phẩm của Mỹ đang cướp đi tương lai của chúng ta, và không còn gì gọi là thương mại tự do”.
Những năm tiếp theo là hàng loạt lời cảnh báo từ các chuyên gia và quan chức phụ trách thương mại Mỹ. Họ lo ngại Nhật Bản đang lên kế hoạch làm “bá chủ thế giới”. Năm 1989, giới chức Mỹ cảnh báo Tron, một loại công nghệ mới của Nhật Bản, sẽ làm tổn hại sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực máy tính. Một số công ty Mỹ đôi khi nói họ bị lừa khi nhận ra rằng các đối thủ Nhật Bản chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu.
Ví dụ, tập đoàn International Business Machines tố Fujitsu sao chép phần mềm vận hành hệ thống, hay Honeywell cáo buộc Minolta đánh cắp công nghệ chế tạo một loại máy ảnh bán chạy vào năm 1985. Các vụ tranh chấp đều được giải quyết ổn thỏa sau đó. Dẫu vậy, Washington cấm các nhà khoa học nước ngoài tham dự một hội nghị về chất siêu dẫn vào năm 1986.
Tuy vậy, thỏa ước Plaza cùng chính sách giảm lãi suất đã dần đẩy kinh tế Nhật vào hai thập niên trì trệ. Ngân hàng phá sản dưới sức nặng của nợ xấu và giá cả xuống dốc. Đến giai đoạn chuyển tiếp thế kỷ, xứ sở mặt trời mọc không còn đáng lo hay đáng để Mỹ bàn tới.
Ba thập niên trôi qua đã xóa nhòa phần nào ký ức về thử thách mà xứ sở Mặt Trời mọc tạo ra đối với Mỹ vào những năm 1980. Nhưng tại Trung Quốc, các quan chức nước này vẫn nhìn về quá khứ để tránh đi vào vết xe đổ. Yu Yongding, nhà kinh tế học hàng đầu Trung Quốc, nói với Wall Street Journal:“Chúng tôi đang rất chú ý đến kinh nghiệm của Nhật Bản”.
Lúc đầu, Bắc Kinh chỉ nhắm vào bài học đơn giản nhất từ thỏa thuận Plaza: Cần phải kiểm soát chính sách tiền tệ của nước này. Năm 2015, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức gần 5% đã khiến thị trường tài chính chao đảo và Washington lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ. Đến khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017, cơn mưa chỉ trích đã nhằm vào toàn bộ chính sách kinh tế của siêu cường châu Á.
Vụ việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt mới đây cho thấy Washington đã rút ra bài học xương máu từ quá khứ: không thể coi thường mối đe dọa trong lĩnh vực công nghệ. Cuối những năm 1980, sau khi Nhật Bản nhượng bộ để ký kết thỏa thuận Plaza, nước Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bị đánh bại tại thị trường xứ sở Mặt Trời mọc bởi dự án TRON.
Với mục tiêu tạo ra tiêu chuẩn hệ điều hành và mạng lưới máy tính của riêng Nhật Bản, dự án TRON được giáo sư Ken Sakamura, thuộc Đại học Tokyo, khởi xướng vào năm 1984. Tại thời điểm đó, giới quan sát Mỹ lo ngại rằng dự án có thể ngăn chặn công ty công nghệ Mỹ tiếp cận thị trường Nhật Bản và đe dọa sự phát triển đa dạng của các hệ điều hành khác.
Thực tế là đến đầu những năm 1990, TRON trở nên rất phổ biến tại đất nước Mặt Trời mọc. Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1992, giáo sư Sakamura, “cha đẻ” của TRON, cho biết công nghệ này đã được sử dụng trong 90% thiết bị phục vụ cho các nhà máy tự động hóa và ngành công nghiệp viễn thông Nhật Bản.
Tuy nhiên không lâu sau đó, các loại phần mềm và chip máy tính dựa trên TRON đã không thể tương thích với bộ xử lý tiêu chuẩn quốc tế của Microsoft, Windows và Intel. Giới quan chức Nhật Bản đành bất lực tụt lại phía sau và chứng kiến những người khổng lồ công nghệ như Google hay Amazon lần lượt xuất hiện phía bên kia Đại Tây Dương.
Wall Street Journal nhận định ngày nay trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một dự án tham vọng khác mang dáng dấp của TRON lại xuất hiện: Sáng kiến “Made in China 2025”. Được Chủ tịch Tập đưa ra vào năm 2015, dự án này đặt mục tiêu đến năm 2025, Trung Quốc từ “công xưởng của thế giới” sẽ trở thành siêu cường kinh tế dẫn đầu trong 10 ngành công nghiệp thế kỷ 21. Đây còn là giải pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước hơn 1 tỷ dân vào hàng hóa nhập khẩu của phương Tây.
Giống như TRON, Mỹ cảm thấy vị thế của mình bị thách thức bởi “Made in China 2025”. Các công ty Mỹ từ lâu đã cho rằng Bắc Kinh sử dụng nhiều phương thức khác nhau để buộc họ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đổi lấy quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của nước này. Ngày 14/8, Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ chỉ đạo Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, người có quan điểm “diều hâu” đối với Bắc Kinh, thực hiện điều tra chính sách sở hữu tài sản trí tuệ của Trung Quốc. “Tôi có nhiệm vụ và trách nhiệm bảo vệ ngành công nghiệp và công nghệ của Mỹ trước những hành đông bất công và lạm dụng”, ông Trump nói, theo Straits Times.
Việc Mỹ nhắm vào ngành công nghiệp sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ của Trung Quốc, được biểu hiện ngày càng rõ nét qua động thái cảnh báo các nước đồng minh tránh xa thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc, bao gồm tập đoàn Huawei. Washington lo ngại đây là “những cánh tay nối dài” của Bắc Kinh có nguy cơ đe dọa an ninh mạng và phục vụ mục đích gián điệp. Trước vị thế và tham vọng của Huawei trên toàn cầu, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu được cho là đòn tấn công trực diện của Mỹ vào kế hoạch “Made in China 2025”.
Không muốn chịu thất bại cay đắng như Nhật Bản, Trung Quốc đang nhượng bộ nhiều hơn để tránh làm leo thang căng thẳng trong thời gian 90 ngày đình chiến. Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang cân nhắc trì hoãn hoàn thiện kế hoạch “Made in China 2025” khoảng một thập kỷ, cho tới năm 2035, đồng thời mở cửa cho các công ty nước ngoài tiếp cận mạnh mẽ hơn vào thị trường Trung Quốc.
Người khổng lồ Huawei cũng đang “xuống nước” trước sức ép ngày một tăng. Trả lời tờ Financial Times, ông Vincent Peng, giám đốc đại diện Huawei tại khu vực Tây Âu, nói: “Chúng tôi cam kết sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để thay đổi. Tái cấu trúc tổ chức, xây dựng lại các quy trình và sản phẩm, kỹ năng cá nhân, chuyên môn kỹ thuật, bất cứ điều gì”.
“Các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhận ra rằng nếu không có quyền tiếp cận thị trường Mỹ, họ có thể phá sản trong vài ngày” - John Hemmings, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Hiệp hội Henry Jackson, nhận định.
Dù muốn hay không, có vẻ như Bắc Kinh đang phải đối mặt với thỏa thuận Plaza phiên bản thế kỷ 21 sau 90 ngày đình chiến mà trong đó, bà Mạnh Vãn Châu có thể sẽ được coi như “con bài mặc cả”. Một khi tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chững lại, Washington hoàn toàn có lý do chính đáng để thở phào nhẹ nhõm, bởi kéo theo đó sẽ là những động thái kiềm chế hơn của Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự và mở cửa thị trường, tự do hóa chính trị trước sức ép từ tầng lớp trung lưu trong nước.
Nhìn về quá khứ, siêu cường châu Á cần nhận thức rõ nét rằng nền kinh tế Trung Quốc ngày nay không được như Nhật Bản những năm 1980. Theo Wall Street Journal, mức thu nhập trung bình của người Trung Quốc hiện còn thấp hơn so với Nhật Bản thời điểm đó. Chưa kể đến việc Bắc Kinh chưa có khả năng kiểm soát và ứng phó hiệu quả trước những rủi ro tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư tiền gửi trị giá hàng tỷ USD.
Giá bất động sản tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã vượt xa khả năng chi trả trung bình của người dân, trong khi đó dân số lại đang già đi với tỷ lệ sinh thấp. Đây chính là những vấn đề nền tảng dẫn tới sự trì trệ trong thời gian dài của Nhật Bản.
Về phía Mỹ, việc bước ra khỏi cuộc chiến thương mại trước Nhật với tư cách là người chiến thắng khiến nhiều người, đặc biệt là phe “diều hâu”, thúc giục Tổng thống Trump cứng rắn với Bắc Kinh với mong đợi một kết quả tương tự.
Tuy nhiên, trước khi lên chương trình nghị sự cho thỏa thuận sau 90 ngày đình chiến, Washington nên cảnh giác rằng đây chỉ là bước lùi của Trung Quốc để đạt được mục tiêu cuối cùng trong cuộc chiến tranh giành vị thế số một. Bởi theo Bussiness Insidernhận định, thuế quan thực chất chỉ là “những củ khoai tây nhỏ” đối với Bắc Kinh. “Trung Quốc vẫn có tham vọng địa chính trị lớn mà trong đó, các công ty công nghiệp và công nghệ là một phần quan trọng", ông Hemmings nhận định.
Nếu trở thành nguyên nhân trực tiếp cho sự sụp đổ của Bắc Kinh, Washington có thể sẽ biến cường quốc châu Á có một số lợi ích tương đồng thành kẻ thù không đội trời chung. Ông Trump dường như cũng ít nhiều nhận thức được điều này. Tại buổi họp báo ngày 7/11, tổng thống Mỹ trả lời phóng viên: “Trung Quốc đang suy yếu rất nhiều. Đáng ra họ sẽ thay thế vị trí cường quốc kinh tế của Mỹ, giờ đây họ thậm chí chẳng đuổi kịp chúng tôi. Tôi không muốn họ suy yếu. Hãy xem chúng tôi có thể làm được những gì”.
Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) là con gái của nhà sáng lập Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Quảng Đông và bà hiện là phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei. Mạnh Vãn Châu là người được dự đoán sẽ “kế vị” vị trí của cha mình trong tương lai.
Huawei, tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Hoa Vi, là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 2018, Huawei trở thành 1 trong 72 tập đoàn Fortune Global 500 trên tạp chí Fortune. Từ năm 2018, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.
相关文章:
相关推荐:
0.9875s , 6687.3046875 kb
Copyright © 2025 Powered by Bóng ma chiến tranh thương mại nhìn từ vụ ‘công chúa Huawei’_lucky88 best,Betway