Dù vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ,ữnggammàusáng củaChínhphủđiệntửxếp hạng c2 song một số hệ thống thông tin dữ liệu đặc biệt quan trọng, liên quan tới quyền lợi sát sườn của người dân và doanh nghiệp đã dần được hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.
Chuẩn hóa dữ liệu của hơn 96 triệu người dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ ưu tiên triển khai, giao cho Bộ Công an quản lý. |
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được Chính phủ ưu tiên triển khai, giao cho Bộ Công an quản lý, với nhiệm vụ trọng tâm là thu thập, cập nhật đầy đủ, chính xác kịp thời toàn bộ thông tin cơ bản của công dân Việt Nam trên hệ thống.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ chuẩn hóa thông tin, qua đó sẽ cấp cho mỗi người dân một mã số định danh cá nhân duy nhất sử dụng từ khi sinh ra đến lúc mất đi. Thông qua số định danh cá nhân, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các ban, ngành, địa phương sẽ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Từ đó, khắc phục tình trạng một người dân có nhiều mã số định danh cá nhân; hạn chế sự trùng lặp trong việc thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về dân cư giữa các ngành, các cơ quan nhằm tránh lãnh phí và tạo sự đồng bộ thống nhất thông tin về dân cư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng người dân phải kê khai thông tin, nộp bản chính hoặc bản sao các giấy tờ để chứng minh thông tin nhân thân như trước đây…
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Theo quy định của Luật Căn cước công dân cũng như Đề án 896 của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 714 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thì đến ngày 1/1/2020 phải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 12/2019, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ theo quy định. Nguyên nhân do đây là dự án CNTT phức tạp, có tổng mức đầu tư lớn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ nhiều ngành, lĩnh vực, phạm vi triển khai dự án rộng lớn từ trung ương đến tận các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Thời gian triển khai ngắn chỉ trong vòng 2 năm.
Để tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đúng Luật Căn cước công dân và quy định của Thủ tướng phê duyệt thì trước hết phải bố trí kịp thời, đủ nguồn vốn để tổ chức triển khai các hạng mục quan trọng của dự án như hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, phần mềm, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ vận hành, khai thác, sử dụng. Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ bổ sung dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để bố trí vốn triển khai dự án này.
Ngoài ra, phải tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời cập nhật thông tin. Đến nay, Bộ Công an đã tổ chức thu thập toàn bộ thông tin công dân trên toàn quốc, tới đây sẽ nhập và chuẩn hóa dữ liệu, cấp số định danh cá nhân cho công dân để sớm đưa vào khai thác sử dụng, để đảm bảo đúng tiến độ thu thập hệ thống thông tin.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư đã chỉ đạo Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Liệu mục tiêu này được hiện thực hóa sớm hơn dự kiến hay không?”, Đại tá Trần Hồng Phú khẳng định: Hiện nay, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự chỉ đạo tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực của Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn bộ người dân và nếu được Chính phủ bố trí kịp thời nguồn vốn thì sẽ đảm bảo đúng tiến độ triển khai xây dựng và đưa vào khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo kế hoạch đề ra.
Minh bạch hoá thông tin, tiết kiệm chi phí đấu thầu
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong đấu thầu qua mạng mang lại nhiều lợi ích cho công tác đấu thầu.
Bên cạnh tính minh bạch thông tin, đấu thầu qua mạng còn đảm bảo bí mật thông tin của các nhà thầu tham dự thầu trước thời điểm mở thầu, góp phần loại bỏ tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”. |
Trước hết, giúp minh bạch thông tin. Theo đó, các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bất kỳ ai có mạng Internet đều có thể tra cứu được, bao gồm từ thông tin về dự án (nếu là dự án đầu tư phát triển), kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, báo cáo đánh giá, kết quả lựa chọn nhà thầu. Tiến tới cả quá trình thực hiện hợp đồng cũng sẽ được công khai trên hệ thống. “Nhờ minh bạch hóa thông tin, đấu thầu qua mạng giúp giảm tình trạng kiện cáo, kiến nghị trong đấu thầu”, ông Trương nhìn nhận.
Đặc biệt, bên cạnh tính minh bạch thông tin, đấu thầu qua mạng còn đảm bảo bí mật thông tin của các nhà thầu tham dự thầu trước thời điểm mở thầu, góp phần loại bỏ tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ” có thể xảy ra đối với đấu thầu truyền thống.
Hơn thế nữa, như trước đây, bên mời thầu phải đợi 2 ngày làm việc để đăng tải thông tin về đấu thầu trên báo chí thì nay bên mời thầu tự đăng tải thông tin đấu thầu trên hệ thống bất kể thời gian nào, không phụ thuộc vào giờ hành chính. Các gói thầu đấu thầu qua mạng còn tiết kiệm thêm 3 ngày làm việc do quy định bên mời thầu phải phát hành hồ sơ mời thầu ngay sau khi đăng tải thông báo mời thầu. “Bên mời thầu chỉ mất 1-2 phút để thực hiện quá trình mở thầu trên mạng, không phải tổ chức buổi lễ mở thầu với sự tham gia của đại diện các bên. Thực tế có trường hợp một bên mời thầu đã mở 34 gói thầu qua mạng trong 1 ngày”, ông Trương nói.
Tính đến hết tháng 11/2019, các chủ đầu tư, bên mời thầu trên toàn quốc đã đăng tải hơn 111.087 thông báo mời thầu với tổng giá trị gói thầu là 764.602 tỷ đồng. Trong số đó đã có hơn 34.500 gói thầu được đấu thầu qua mạng (chiếm tỷ lệ 33.4% về số lượng) với tổng giá trị gói thầu là 104.986 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 19.8% giá trị), cao hơn gấp đôi so với năm 2018.
Mặc dù đấu thầu qua mạng vẫn giữ vững đà tăng trưởng qua từng năm, đặc biệt năm 2019 cả nước đã vượt chỉ tiêu về tỷ lệ giá trị nhưng về tỷ lệ số lượng gói thầu vẫn thấp hơn so với quy định. Lý giải điều này, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết vẫn còn một số lượng không nhỏ chủ đầu tư, bên mời thầu có tâm lý “ngại”, không muốn áp dụng đấu thầu qua mạng.
Bất cập thứ hai, là do đến thời điểm hiện tại, hệ thống vẫn đang được vận hành, nâng cấp trên cơ sở hệ thống do Hàn Quốc bàn giao từ năm 2009. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên chỉnh sửa, nâng cấp chức năng hệ thống, nhưng để mở rộng thêm các tính năng khác nhằm thuận tiện hơn cho người sử dụng, ứng dụng các công nghệ mới thì rất khó khăn.
Trước những tồn tại này, Cục đã đề ra các giải pháp đồng bộ. Đáng chú ý là bắt buộc công khai tất cả các hồ sơ mời thầu đấu thầu trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và ban hành lộ trình áp dụng giai đoạn 2019-2025 theo hướng bắt buộc 100% các gói thầu theo hạn mức nhất định và tính chất gói thầu phải đấu thầu qua mạng; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng như một chỉ tiêu đo lường cả về kinh tế và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị…