Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành 295 phiếu đại cử tri,ệViệlucky88 best vượt con số 270 tối thiểu cần thiết để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Kết quả này đã khép lại cuộc chạy đua gay cấn giữa ông Trump và đối thủ Kamala Harris, đồng thời mở ra một chặng đường mới cho tân chủ nhân Nhà Trắng. Báo Dân tríđã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ để bình luận về sự kiện đặc biệt này. Thưa Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, trong bài phát biểu chiến thắng sau cuộc bầu cử vào ngày 5/11, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố đã làm nên lịch sử khi quay trở lại Nhà Trắng sau 4 năm. Vậy theo ông, điều gì làm nên chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay? Chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ trong bối cảnh hiện nay? - Ông Trump đã giành chiến thắng về số phiếu bầu đại cử tri, trong đó nhiều khả năng ông giành chiến thắng ở tất cả 7 bang chiến trường (năm 2020 ông đã thua ở 6/7 bang chiến trường này). Đồng thời, lần đầu tiên sau 3 lần tranh cử, ông giành thắng lợi cả ở số phiếu phổ thông. Không chỉ ông Trump giành chiến thắng trước ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, mà đảng Cộng hòa của ông Trump lần đầu tiên trong nhiều năm giành lại được đa số trong Thượng viện. Mặc dù kết quả chưa ngã ngũ hẳn, nhưng nhiều khả năng đảng Cộng hòa sẽ giữ được đa số ghế trong Hạ viện. Như vậy, ông Trump thắng cử, còn đảng Cộng hòa khả năng cao giành đa số phiếu ở cả Thượng viện và Hạ viện. Đây là một chiến thắng rất ngoạn mục. Với chiến thắng của ông Trump, nước Mỹ sẽ có nhiều sự thay đổi trong nhiệm kỳ tiếp theo của tổng thống Mỹ. Nhiệm kỳ hiện tại là nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ, còn nhiệm kỳ sắp tới là nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa, do vậy chính sách sẽ có sự khác biệt cả về đối nội và đối ngoại. Đây có lẽ là một bước chuyển quan trọng của nước Mỹ và sẽ có tác động tới quan hệ quốc tế trong thời gian tới. Có nhiều lý do dẫn đến chiến thắng ngoạn mục của ông Trump. Lý do thứ nhất, cũng là lý do quan trọng nhất, là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo thủ, phong trào cực hữu và chủ nghĩa biệt lập ở Mỹ. "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là một phong trào ở Mỹ. Phong trào cực hữu không phải lần đầu tiên xuất hiện, mà chính phong trào này đã giúp ông Trump thắng cử trong nhiệm kỳ đầu tiên và tiếp tục giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, phong trào cực hữu, phe bảo thủ đã giành được những thắng lợi khác nhau ở các cấp bầu cử khác nhau tại các nước trên thế giới. Trong năm 2023 - 2024, phong trào cực hữu cũng giành được những thắng lợi ở các nước như Đức, Hungary, Áo, Pháp. Ngay trong bầu cử ở nghị viện châu Âu, phe cánh hữu cũng giành được những thắng lợi quan trọng. Điều này thể hiện xu hướng chung, tăng cường bảo thủ, bảo hộ trong thời gian tới. Lý do thứ 2, xét về cá nhân ông Trump, chương trình nghị sự mà ông đưa ra để tranh cử lần này đã đi vào những vấn đề mà cử tri Mỹ rất quan tâm. Trong những vấn đề này, kinh tế và nhập cư là hai vấn đề quan trọng mà ông Trump đã thuyết phục cử tri Mỹ bầu cho mình. Về vấn đề kinh tế, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển khá tốt, GDP liên tục tăng trưởng trong nhiều quý liên tiếp. GDP của Mỹ dưới thời ông Biden thậm chí còn cao hơn dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, có 2 chỉ số rất quan trọng mà người Mỹ quan tâm là thu nhập bình quân hộ gia đình và giá cả lạm phát. Chỉ số thu nhập bình quân hộ gia đình dưới thời ông Biden không tăng nhiều như thời ông Trump. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở Mỹ dưới thời ông Trump tăng hơn 8%, trong khi dưới thời ông Biden chỉ tăng 1-1,3%. Dưới thời ông Trump, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, nhưng trong nhiệm kỳ của ông Biden 4 năm vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng từ 18-20%. Nhiều người Mỹ đã phàn nàn về giá cả tăng cao, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu đối với sinh hoạt hàng ngày như giá lương thực, giá dầu… Đây là vấn đề mà ông Trump xoáy vào rất mạnh trong chiến dịch tranh cử. Thăm dò dư luận trước đó cũng đánh giá rằng ông Trump có khả năng lãnh đạo nền kinh tế Mỹ tốt hơn Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris. Về vấn đề nhập cư, cử tri Mỹ cũng không quên những biện pháp rất quyết liệt của ông Trump. Ông cũng cam kết nếu trúng cử, ông sẽ thực hiện cuộc trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mà theo con số tính toán hiện nay lên tới khoảng 10 triệu người. Ông Trump cảnh báo đây sẽ là cuộc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử. Nhiều cử tri Mỹ cũng ủng hộ chính sách này của ông Trump. Tóm lại, chính sách về kinh tế và nhập cư đã giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ rất lớn của cử tri Mỹ. Ngay cả những cử tri truyền thống mà trước đây vẫn hay bỏ phiếu cho phe Dân chủ như cử tri gốc Latinh, họ cũng bỏ phiếu cho ông Trump lần này. Đây cũng là bước lùi của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lần này và chính ban lãnh đạo trong đảng Dân chủ cũng phải thừa nhận như vậy. Lý do thứ 3, xét sâu hơn về yếu tố cá nhân, ông Trump là một chính trị gia rất lão luyện có nhiều kinh nghiệm chính trường. Ông từng là tổng thống của nước Mỹ và cũng là một ngôi sao truyền hình. Do vậy, ông rất có kinh nghiệm trong việc biến những điểm tưởng như là điểm yếu của mình thành điểm mạnh. Ông Trump phải đối mặt với rất nhiều rắc rối pháp lý, nhưng ông đều bác bỏ, khẳng định hoàn toàn vô tội. Ông Trump cho rằng đây là "cuộc săn phù thủy" và là những chiêu trò chính trị nhằm vào ông. Ông Trump cũng xây dựng hình ảnh rất tốt như trong 2 vụ ám sát hụt, đặc biệt là hình ảnh ông bị viên đạn bắn sượt qua tai, nhưng vẫn đứng lên và hô "tiếp tục chiến đấu". Hình ảnh này cho thấy bản lĩnh rất mạnh mẽ của ông, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của nước Mỹ. Trong cuộc tranh luận với bà Harris, sau khi kết thúc cuộc tranh luận đầu tiên, ông Trump nhận ra bà Harris cũng không thua kém ông về tranh luận, do vậy ông đã không tham gia cuộc tranh luận tiếp theo để tránh mang lại lợi thế cho đối thủ. Đây cũng là một chiến thuật rất khéo léo của ông Trump. Đại sứ dự đoán như thế nào về các bước tiếp theo của ông Trump trong những ngày đầu nhận nhiệm sở? Ông Trump có thể sẽ xây dựng nội các như thế nào? - Như tôi đã phân tích, đây không chỉ là chiến thắng của ông Trump, của đảng Cộng hòa mà còn là chiến thắng của phong trào cực hữu. Rõ ràng, những chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được nhiều cử tri Mỹ ủng hộ và đánh giá cao. Ông Trump từng nói rằng một trong những sai lầm nếu có của ông trong nhiệm kỳ đầu là việc lựa chọn con người đôi khi chưa chính xác. Ông Trump liên tục thay đổi nội các trong nhiệm kỳ đầu. Trong nhiệm kỳ lần này, tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ lựa chọn nhân sự trong đội ngũ bảo thủ và đội ngũ cực hữu nhiều hơn, trong khi số người phe hữu nhưng tỏ ra ôn hòa sẽ ít hơn trong nội các mới của ông Trump. Có những nhân vật nổi tiếng, từng xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và được cho là sẽ quay trở lại trong nhiệm kỳ mới, trong đó có thể kể đến cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người được đánh giá là bảo thủ, hay cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Thượng nghị sĩ JD Vance, người được ông Trump chọn là phó tổng thống, cũng là một người rất bảo thủ. Một số quan điểm cho rằng, trong nhiều vấn đề, ông Vance thậm chí còn bảo thủ hơn ông Trump. Tôi nghĩ rằng trong nhiệm kỳ 2, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump sẽ cực hữu và bảo thủ hơn. Theo Đại sứ, chính sách đối nội của ông Trump có gì khác so với ông Biden trong nhiệm kỳ 4 năm tới? Liệu những chính sách này có phải là sự tiếp nối những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên hay không? - Chính sách đối nội của ông Trump không những khác biệt hoàn toàn so với chính sách đối nội của ông Biden, mà còn khác biệt so với nhiệm kỳ đầu của ông. Chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ tới sẽ có sự tiếp nối và khác biệt so với nhiệm kỳ đầu. Trong nhiệm kỳ đầu, những gì ông Trump từng hứa khi tranh cử, ông đều cố gắng thực hiện. Trong nhiệm kỳ này, ông Trump cũng sẽ tiếp tục như vậy. Đặc biệt với chiến thắng ngoạn mục vừa qua và vốn chính trị tự có, cũng như chiến thắng ở Thượng viện và Hạ viện, ông Trump sẽ có nhiều cơ sở, quyền lực và khả năng hơn để thực thi các chính sách của mình một cách quyết đoán hơn trong nhiệm kỳ 2. Về đối nội, một trong những chính sách quan trọng mà ông Trump từng nêu lên là cắt giảm thuế. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Trump là gia hạn đạo luật cắt giảm thuế, dự kiến hết hạn vào năm 2025. Đây là đạo luật mà ông Trump cho là thành tích nổi trội trong nhiệm kỳ đầu. Chính sách này cho phép cắt giảm thuế cho doanh nghiệp mạnh hơn nữa, cắt giảm thuế cho người dân và một loạt chính sách cắt giảm như cắt giảm trợ cấp xã hội hoặc thu hẹp hơn nữa nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội so với chính quyền Tổng thống Biden… Chính sách đối nội tiếp theo mà ông Trump đặc biệt quan tâm liên quan đến vấn đề nhập cư. Chính sách này sẽ siết chặt việc nhập cư và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khỏi Mỹ. Đây là những chính sách ưu tiên trong giai đoạn đầu, thực hiện đúng những cam kết mà ông Trump đã đưa ra. Theo Đại sứ, chính sách đối ngoại của Mỹ trong 4 năm tới sẽ như thế nào khi ông Trump lên nắm quyền? - Nhiều nhà phân tích chính trị ở Mỹ nói rằng, ông Trump sẽ sớm đưa lại chương trình nghị sự theo khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết" với những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Ông Trump từng nhiều lần nói rằng ông không ủng hộ thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Ông Trump từng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong nhiệm kỳ đầu và điều này có thể lặp lại trong nhiệm kỳ tới. Ông Trump cũng đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các thể chế quốc tế hiện nay và Mỹ có thể hạn chế tham gia vào các thể chế này khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Đối với NATO cũng như các đồng minh khác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc…, ông Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường gây sức ép để yêu cầu các nước này chia sẻ trách nhiệm, buộc họ phải đóng góp chi phí quốc phòng nhiều hơn. Đối với ông Trump, Mỹ không phải là cái ô bảo vệ, mà các nước cũng cần có trách nhiệm đóng góp. Đặc biệt về thương mại quốc tế, tôi cho rằng sẽ có sự thay đổi đáng kể dưới thời ông Trump. Các cố vấn thân cận của ông Trump đều cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện nay không hiệu quả, nên họ cảnh báo rút Mỹ khỏi hệ thống này. Ông Trump tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ đánh thuế vào hàng hóa nước ngoài đưa vào Mỹ, ví dụ với hàng hóa Trung Quốc có thể áp thuế khoảng 60% - một mức rất cao. Ông Trump cũng dọa sẽ đánh thuế 10-20% với hàng hóa của các nước khác, bao gồm cả các đồng minh. Nhiều khả năng ông Trump sẽ thực hiện tuyên bố này. Các tổ chức uy tín về kinh tế trên thế giới đã đưa ra danh sách các nước có khả năng bị tổn thất nhiều hơn nếu ông Trump lên cầm quyền và thực thi chính sách về thương mại quốc tế. Về quan hệ đối ngoại, ông Trump ủng hộ việc đàm phán tay đôi hơn. Việc ông dọa áp thuế cao hay trừng phạt thương mại có thể là một thủ thuật để đàm phán với từng nước. Đây cũng là thủ thuật trong kinh doanh được ông Trump áp dụng khi ông trở thành tổng thống. Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ căng thẳng hơn và không loại trừ yếu tố bất ngờ. Nhiều nước đồng minh của Mỹ, trong đó có NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều bày tỏ lo ngại về chính sách cứng rắn của ông Trump khi ông trở lại Nhà Trắng. Đại sứ có cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà ông Trump từng đưa ra vào năm 2017 sẽ tiếp tục được thực thi không trong nhiệm kỳ tới không? - Ông Trump là người đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và ông Biden đã tiếp quản chiến lược đó. Tôi nghĩ rằng với tầm quan trọng hiện nay của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới và là nơi Mỹ có quyền lợi rất lớn, Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho khu vực này và thực thi chiến lược. Dù hình thức có thể khác, nhưng nội dung cốt lõi của chiến lược vẫn không thay đổi. Cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang diễn ra gay gắt. Trong thời gian tới, ông Trump có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn, nhưng các nước cũng có những biện pháp để đối phó. Ông Trump từng tuyên bố sẽ không xảy ra các cuộc chiến nếu ông trở thành tổng thống. Theo Đại sứ, các điểm nóng trên thế giới liệu có thể hạ nhiệt không khi ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ? - Khó có thể khẳng định liệu căng thẳng có hạ nhiệt tại các điểm nóng hay không khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trump từng hứa nếu trở thành tổng thống, ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ ông sẽ giải quyết bằng cách nào. Một số nhà phân tích đối ngoại của Mỹ cho rằng, ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025, ông sẽ có những cuộc trao đổi đàm phán với các bên liên quan như Nga, Ukraine… Chúng ta cùng chờ xem ông Trump sẽ hành động như thế nào. Về xung đột ở Trung Đông, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ cao đối với Israel, do vậy cộng đồng người Do Thái và Israel cũng ủng hộ việc ông Trump trở lại cầm quyền. Ông Trump cũng từng đứng ra làm trung gian hòa giải cho Israel và một số nước Trung Đông. Nếu ông Trump có thể chấm dứt các cuộc xung đột và đem lại hòa bình cho thế giới, tôi sẽ ủng hộ ông Trump được trao giải Nobel Hòa bình. Trên cương vị là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, theo ông chính sách của Mỹ với Việt Nam có thay đổi không khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ vào năm ngoái? - Ông Trump từng thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ và ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu. Trong những cuộc tiếp xúc như vậy, ông Trump luôn khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, khẳng định Mỹ ủng hộ Việt Nam độc lập, tự cường, hùng mạnh, thịnh vượng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam. Đó là những nguyên tắc rất cơ bản và quan trọng trong quan hệ song phương. Giữa hai đảng Dân chủ hay Cộng hòa của Mỹ có nhiều điểm khác biệt về đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, trong quan hệ với Việt Nam, dù tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền, họ đều có quan điểm khá thống nhất, đó là tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam. Những nội dung mà hai bên đã cam kết, dù dưới thời tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa, đều khẳng định Mỹ ủng hộ Việt Nam độc lập, tự cường, hùng mạnh, thịnh vượng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam. Dựa trên những cam kết và nguyên tắc đó, tôi tin rằng dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, nhất là khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tôi cho rằng có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thể hợp tác từ chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Tuy nhiên, quan hệ kinh tế thương mại Việt - Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ gặp một số khó khăn, trở ngại mà hai bên cần nỗ lực vượt qua. Phía Việt Nam cần chủ động ngay từ đầu tiếp cận với chính quyền Tổng thống Trump, chủ động đưa ra những giải pháp cùng phía Mỹ giải quyết những khúc mắc, những quan ngại của nhau để quan hệ kinh tế thương mại nói riêng và quan hệ Việt - Mỹ nói chung phát triển thuận lợi và mạnh mẽ trong thời gian tới. Xin trân trọng cảm ơn ông! Ảnh: Hữu Nghị - Video: Phạm Tiến, Minh Quang Nội dung: Thành Đạt |