Năm cũ sắp qua đi,ữngthóixấucủatàixếViệtcầnthayđổitrongnămmớlich epl thời khắc giao thừa với những hy vọng và niềm vui mới đang đến gần. Đây là thời gian để cánh lái xe cùng soi chiếu lại chính mình, qua đó cải thiện, nâng cao văn hoá giao thông trong năm mới.
Mời độc giả cùng VietNamNet điểm lại những thói quen chưa hay của số một bộ phận tài xế trong năm qua:
Lạm dụng còi xe
Nhìn lại những thói quen “xấu xí” của tài xế Việt trong năm qua
Khi đèn đỏ vẫn còn 5-6 giây, nhiều tài xế đã bấm còi inh ỏi, giục giã những xe phía trước di chuyển như “sợ” họ không nhìn thấy đèn. Nhiều đoạn đường đã có biển cấm bấm còi xe rõ rành rành, thế nhưng, nhiều lái xe dường như không nhìn thấy biển cấm, vẫn bóp còi lấy được dù chẳng đáng phải còi.
Hay tại những đoạn đường khuya vắng vào ban đêm, không khó để nghe thấy những tiếng “bim bim” váng não. Thật khó hiểu!
Nhiều xe khách, xe tải lắp thêm còi công suất cao, sử dụng một cách vô tội vạ khiến người đi đường đinh tai nhức óc, thậm chí có trường hợp bị giật mình khi nghe tiếng còi đã ngã ra đường dẫn tới thương vong.
Văn hoá sử dụng còi xe vẫn khá “xa xỉ” với nhiều tài xế Việt.
Vô tư ném rác ra đường
Nhìn lại những thói quen “xấu xí” của tài xế Việt trong năm qua
Một chị gái mặc quần áo sành điệu, cầm lái một chiếc xe hạng sang. Qua ngã tư, chị hạ kính, thản nhiên thả xuống đường mẩu giấy ăn vừa dùng để chùi son.
Phía ghế sau, đứa con chị cũng ném vèo qua cửa sổ vỏ hộp sữa đang hút dở, suýt vào mặt một người đi đường. Ai nhìn thấy cũng lắc đầu ngao ngán. Mệt nhất là mấy chị công nhân môi trường.
Vô tư xả rác ra đường là thói quen vô cùng xấu xí không chỉ của “dân thường” mà còn của một số người ở tầng lớp được coi là “có tiền”.
Đúng là tiền chưa chắc đã mua được ý thức!
Bật đèn pha vô tội vạ
Nhiều tài xế để đèn pha chiếu thẳng vào xe đối diện rất vô ý thức
Những ai hay lái xe vào ban đêm chắc không lạ gì với những chiếc đèn pha chiếu thẳng vào mắt mình. Nhiều ô tô được chủ xe độ thêm dàn đèn siêu khủng, mỗi lần “giương pha” khiến lái xe đối diện lâm vào tình trạng “mù tạm thời’, vô cùng nguy hiểm.
Còn trong thành phố, dù đã quy định rõ trong Luật là lái xe không được để chế độ chiếu xa, thế nhưng không khó để thấy những chiếc đèn pha “chổng ngược” trên đường vừa vô duyên, vừa vô ý thức.
Chỉ cần lái xe có ý một chút, luôn để đèn ở chế độ “cos”, chỉ bật pha cao khi đi đường trường, đường đèo và không có xe đối diện thì chắc hẳn ai cũng vui.
Va chạm nhỏ dẫn tới xô xát
Vụ xô xát xảy ra vào tối 31/12/2020 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội
Một anh trai dừng đèn đỏ ở làn dành cho xe quay đầu khiến hàng dài ô tô phải chờ. Một lái xe khác lên nhắc liền bị anh trai này đánh gãy răng, chảy máu mặt.
Hay hai chiếc ô tô không may bị quệt vào nhau trên đường, vết xước nhỏ như sợi chỉ. Thế nhưng, nhưng hai tài xế thay vì xuống bắt tay hoà giải thì đã nói chuyện với nhau bằng…nắm đấm.
Năm 2020, vô số những vụ việc những tài xế hành hung nhau, thậm chí gọi thêm người mang hung khí đến để hỗn chiến được báo chí và mạng xã hội đăng tải.
Bạo lực là cách để thị uy sức mạnh, giải phóng cơn giận dữ nhưng cũng thể hiện sự coi thường luật pháp của những kẻ thích dùng nó.
Nhiều “ma men” sau tay lái
Tuy mức phạt nâng lên rất cao nhưng trong năm 2020 vẫn có tới gần 200.000 "ma men" sau tay lái bị xử phạt.
Từ 01/01/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, trong đó mức phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đến 24 tháng.
Phạt nặng là vậy nhưng theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong năm 2020, toàn quốc xử lý 185.550 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vẫn còn quá nhiều “ma men” sau tay lái.
Phải chăng, lái xe không sợ bị phạt? Phải chăng, nhiều lái xe không nỡ từ chối được chén rượu, cốc bia? Đã đến lúc, cộng đồng lái xe phải xây dựng cho mình “văn hoá từ chối” rượu bia một cách nghiêm túc hơn.
Thắt dây an toàn kiểu “đối phó”
Dây an toàn chỉ phát huy tác dụng khi nó được đeo đúng cách.
Trên các trang thương mại điện tử, những chiếc chốt cài dây an toàn được bán tràn lan với giá chỉ vài chục đến một trăm nghìn đồng, có rất nhiều người đặt mua chúng để sử dụng.
Đây là dụng cụ giúp cắm vào chốt của dây an toàn, chiếc xe sẽ hiểu là dây đã được thắt và không phát ra âm thanh cảnh báo, chẳng lo bị xe “nhắc”.
Đó chỉ là một trong số nhiều mẹo của cánh tài xế để đỡ phải thắt dây an toàn khi ngồi lên xe. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng, thắt dây an toàn đúng cách chính là biện pháp để bảo vệ tính mạng cho chính mình và những người trên xe.
Dây an toàn được sinh ra với chỉ một tác dụng là giữ cho hành khách không bị văng khỏi ghế, lao về phía trước khi xe bị dừng lại đột ngột. Thế nhưng, dây an toàn chỉ phát huy tác dụng khi nó được đeo đúng cách.
Có vẻ như nhiều không quen và nghĩ rằng đeo dây an toàn là vướng víu, khó chịu, mất thời gian. Nhưng đến khi tính mạng bị đe doạ thì… hối không kịp.
Đỗ xe thiếu ý thức
Một chiếc ô tô bị sơn bẩn lên xe vì đỗ chắn cửa nhà. (Ảnh: Beat)
Trên một tuyến phố nọ, dù có biển cấm dừng đỗ to như cái mâm, thế mà hai bên vẫn xuất hiện hàng dài xe đỗ kín mít, chỉ chừa ra một lối nhỏ, cứ có ô tô đi vào là lại tắc cứng.
Hay ở một con phố khác, chiếc ô tô hạng sang đỗ bưng kín mặt tiền của một cửa hàng từ sáng đến trưa khiến chẳng ai ra vào được. Trên xe cũng không để lại số điện thoại liên lạc. Bất lực, chủ cửa hàng lấy sơn xịt đầy lên xe cho “bõ tức” rồi chụp ảnh, đăng lên mạng.
Trong năm qua, hàng ngàn tình huống “dở khóc dở cười” liên quan đến việc đỗ xe thiếu ý thức được ghi nhận, chia sẻ. Có những trường hợp, công an đã phải vào cuộc để điều tra về tội cố tình phá hoại tài sản.
Giá như lái xe đỗ gọn hơn, biết “nhìn trước nhìn sau” hơn, hay tối thiểu là để lại số điện thoại để liên lạc khi cần thì mọi chuyện đã không đến mức như vậy.
Tất cả những thói quen xấu được nêu trên không chỉ bị luật pháp nghiêm cấm mà còn bị xã hội và ngay cả cộng động lái xe lên án. Việc thay đổi thói quen “xấu xí” trong một sớm một chiều là không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Điều đó tuỳ thuộc vào ý thức bản thân của mỗi người.
Đừng để khi xảy ra tai nạn hay bị “bêu mặt” lên mạng xã hội mới ngộ ra. Lúc đó có thể đã quá muộn!
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào với những thói quen "xấu xí" trong bài viết trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mọi tin bài cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy - Báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Văn hóa giao thông: Sau va chạm, đừng nói chuyện bằng nắm đấm
Nhiều lái xe không giữ được bình tĩnh sau va chạm giao thông, sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để nói chuyện với đối phương. Vậy lý giải điều này như thế nào?