Nhẫn nhịn chịu đựng chồng đánh đập nhưng “con giun xéo lắm cũng quằn”,ồngđánhvợvùnglênÁnmạngđaulòngconcáibơvơsoi keo maroc không ít người vợ đã “vùng lên” mà hậu quả là những án mạng đau lòng. Chồng chết, vợ vào tù, con cái bơ vơ…
“Quả bom” căm phẫn
Người dân xã Bờ E, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang xôn xao về vụ việc người vợ giết chồng chỉ vì bị “sai đi mua rượu”. Theo thông tin báo chí đã đưa, trước đó người chồng đã đi uống rượu ở nơi khác. Sau khi say rượu về đến nhà lại tiếp tục bắt vợ đi mua rượu về uống tiếp. Người vợ không chịu đi nên xảy ra xô xát với chồng. Cuối cùng, người vợ không chịu được đã dùng củi để đập chồng, khiến anh này tử vong.
Tội trạng đã có luật pháp phán xét nhưng đằng sau nó vẫn là câu chuyện của bạo lực gia đình (BLGĐ). Không ít người vợ đã bị ép uổng, bị người chồng cư xử thô lỗ, đánh đập, chửi mắng đến mức không kiềm chế được sự phẫn nộ.
TAND tỉnh An Giang cũng vừa mở phiên tòa xét xử vụ án “vợ giết chồng”. Bị cáo là Nguyễn Thị Tở (42 tuổi), ngụ ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú. Tở nhiều năm bị chồng đánh đập. Vào ngày xảy ra vụ án, chồng Tở cũng uống rượu rồi chửi mắng, đánh đập vợ từ sáng. Ngay trong bữa cơm chiều, chồng Tở lại tiếp tục gây sự, tát vợ, dùng khúc gỗ đánh vợ. Cuối cùng, Tở đã lấy khăn tắm xiết cổ chồng tới chết. Hành vi “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” chỉ bị kết án 9 tháng tù giam. Tuy nhiên, bố chết, 4 đứa con nhỏ của bị cáo không người chăm sóc.
Bạo lực leo thang trong gia đình bao giờ cũng xảy ra kết cục xấu và để lại những hệ lụy dai dẳng (ảnh minh họa). |
Dù chưa có thống kê nhưng hầu như tuần nào cũng có tin tức về các vụ án vợ giết chồng sau một thời gian dài nhẫn nhịn chịu đựng sự đánh đập của chồng. Đằng sau vụ án thường là những câu chuyện BLGĐ đẫm nước mắt.
Bà Bùi Thị Thanh Hòa (Trung tâm tư vấn Linktam - Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên CSAGA) cho biết, những vụ án bi thương này là kết cục tất yếu của những vụ án BLGĐ.
“Sự tức giận, căm phẫn bị dồn nén chính là quả bom có sức công phá nguy hiểm nhất. Bạo lực leo thang bao giờ cũng xảy ra kết cục xấu. Một là người chồng càng ngày càng đánh vợ nặng hơn, coi thường vợ hơn dẫn đến những trường hợp ngộ sát hoặc bức tử vợ, khiến vợ phải tự tử. Hoặc người vợ phản kháng lại dẫn đến những án mạng đau lòng” - bà Hòa nhận định.
Vụ án kép
"Chị em cũng cần được tuyên truyền để tự bảo vệ mình. Bởi vì nhẫn nhịn không “cứu vớt” được hôn nhân mà còn nguy hiểm đến tính mạng của mình và mọi người. Khi bị đánh thì cần kêu cứu, chia sẻ, nhờ sự giúp đỡ. Khi bị đánh thì nên bỏ chạy chứ không nên ngồi yên để chịu đựng. “Một mình chịu đựng sẽ khiến sự căm phẫn dồn nén vì thế, chị em cần chia sẻ để “hạ nhiệt” cơn nóng giận, tránh được những án mạng đau lòng”, bà Bùi Thị Thanh Hòa |
Bà Nguyễn Thu Thúy - Phó Giám đốc CSAGA chia sẻ câu chuyện của một nạn nhân - thủ phạm giết chồng tại Hà Giang (năm 2011). Người vợ - tên Thơ - đã dùng dây điện siết cổ chồng rồi ném xác xuống sông. Nhưng con gái chị đã viết thư đẫm nước mắt xin cho mẹ thoát án tử hình. Chính cháu cũng đã đến tận CSAGA để tìm cách giảm tội cho mẹ mình. Cháu cho biết, bố cháu nặng 70kg, mẹ cháu chỉ chưa đến 40kg. Suốt bao năm nay mẹ cháu phải lao động cực khổ, lại thêm suốt ngày phải chịu đựng người chồng say xỉn và tàn nhẫn.
Bà Thúy chất vấn: “Trước khi Tòa án, Viện Kiểm sát xét xử vụ án giết người có lẽ cần phải xử trước vụ án BLGĐ. Mà ở phiên tòa đó, chị Thơ phải được coi là nạn nhân, là bị hại. Còn người chồng đã bị giết hại kia chính là thủ phạm đã gây ra cho chị biết bao đau đớn, tủi nhục về thể xác lẫn tinh thần, trong suốt 16 năm qua. Rất nhiều nhân chứng là hàng xóm, bạn bè sống xung quanh nhà chị Thơ. Sự căm phẫn nào khiến một phụ nữ chưa đầy 40kg lại có thể tấn công một người đàn ông hơn 70kg? Nếu chồng chị ấy không đánh đập hành hạ, liệu người “trói gà không chặt” như chị ấy có thể làm hại ai?”.
Nhưng cuối cùng, chị Thơ vẫn bị kết án 8 năm tù.
Theo bà Thúy, nhiều nạn nhân BLGĐ giống như chị Thơ, cuộc sống nghèo khó, thiếu hụt kỹ năng sống, thiếu hụt kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng không bấu víu được vào sự giúp đỡ nào khi bị chống đánh. Cứ tưởng “nhịn mãi thành quen” nhưng cuối cùng lại không kìm nổi căm phẫn. “Những vụ án này là hồi chuông hy vọng cảnh tỉnh được người chồng, người cha bạo lực, mượn rượu làm càn với vợ con. Phòng chống BLGĐ không chỉ bảo vệ phụ nữ và trẻ em mà còn bảo vệ chính đàn ông” – bà Thúy nhận định.
Cùng quan điểm này, bà Hòa phân tích, hầu như không người chồng nhận ra rằng những cú đấm của mình đang nuôi dưỡng sự phản kháng ngấm ngầm của người vợ. Thấy vợ nhẫn nhịn lại tưởng mình là nhất, là bá chủ, tiếp tục khuếch trương sự tàn bạo. Đến khi phụ nữ phản ứng dội, họ mới thực sự “lĩnh đủ”.
(Theo Dân Việt)