Nằm trên chiếc xe đẩy ở ven đường Điện Biên Phủ (quận 3,ẹđưaconbạinãođibánvésốtốingảlưngtrênhaimiếnggạkeonhacai.com TP.HCM), anh Hồ Văn Phi (24 tuổi, quê Phú Yên) cố lẫy người nhìn mẹ, miệng cười ngô nghê. Đứng kề bên xe đẩy, bà Huỳnh Thị Lanh (52 tuổi, quê Phú Yên, tạm trú quận 3, TP.HCM) cầm xấp vé số mời người đi đường.
Chồng mất từ năm con trai út lên 7 tuổi, bà Lanh ở vậy nuôi 4 người con. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, bà Lanh làm nông mất mùa liên tục. Mùa mía năm nào cũng phải bù lỗ hơn chục triệu đồng khiến bà chán nản.
Bà Lanh cũng nghĩ đến việc chuyển sang làm thuê cho người khác nhưng khổ nỗi, cậu con trai bị bại não không có người chăm sóc. Hai con gái đã có gia đình riêng, cậu con trai lớn cũng khờ khạo, không lanh lợi như người ta. Suy tính đủ đường, cuối cùng, bà Lanh quyết định vào TP.HCM bán vé số.
“Thằng này khó tính lắm, chỉ chịu mẹ chăm thôi, không chịu người khác giữ. Hễ cho nó ở nhà, gửi người khác chăm là nó nhịn ăn, nhịn uống. Cả ngày nằm ở nhà trọ, nó không uống một giọt nước, không ăn bất cứ thứ gì. Bởi vậy, tôi không thể làm nghề nào khác ngoài bán vé số. Chỉ có bán vé số mới đẩy nó theo được thôi”, bà Lanh chia sẻ.
Nói đoạn, bà Lanh chỉ tay vào chiếc xe với cơ man bánh trái treo lủng lẳng. Lâu lâu, bà lại lấy bánh, trái cây đút cho con trai ăn. Anh Phi vừa ăn vừa nhìn mẹ mỉm cười.
Tính đến nay, bà Lanh đã có gần 4 năm đẩy con đi bán vé số. Buổi sáng, bà thường bán ở gần bệnh viện Bình Dân, TP.HCM. Đến khoảng 11-12h trưa, bà đẩy con trai về nhà trọ ăn cơm, nghỉ ngơi.
18h, bà lại đẩy con trai đi bán vé số. Từ đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), bà đẩy con ra tận chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng… Đến tận 1-2h sáng, bà lại đẩy con về nhà trọ.
“Hai mẹ con cứ đi từ từ, mệt thì nghỉ, xong lại đi tiếp. Cứ vậy cũng qua được gần 4 năm”, bà Lanh tâm sự.
Ngày nào bà Lanh cũng hai bận đẩy con đi bán vé số. Việc đẩy chiếc xe nặng hơn 50kg khiến lưng, chân bà đau buốt.
Bà Lanh rơm rớm nước mắt nói: “Mấy bữa, tôi đau chân lắm chớ, nhưng nay đỡ hơn rồi. Tôi mua thuốc uống miết mà người bán thuốc còn sợ. Lúc nào đi bán, tôi cũng mang theo thuốc, hễ đau là uống vào ngay”.
Bán được ngày nào có tiền ăn ngày đó, cho nên bà không dám nghỉ. Mưa nắng thế nào cũng lặn lội mà đi. Cũng may, dù phơi nắng phơi mưa nhưng anh Phi được theo mẹ lại vui, khỏe. Những lúc mệt, thấy con cười, bà Lanh lại lau mồ hôi đẩy đi tiếp.
"May mà có chỗ ngả lưng"
Bà Lanh lo sợ nhất là những ngày thành phố có mưa dầm, vé số bán không hết phải sang lỗ. Xe đẩy không có dù hay mái che, mưa ập đến, bà phải vội vàng, còng lưng đẩy con vào hiên nhà của người ta để trú.
Sợ con mắc mưa bị bệnh, bà đợi đến lúc mưa tạnh mới dám đẩy con về nhà. Những lúc như thế, bà thường tủi thân, khóc nghẹn.
Lấy tay lau nước mắt, bà Lanh nghẹn giọng: “Hồi còn nhỏ, Phi dễ chịu, càng lớn càng khó. Nó lớn tuổi rồi nên chướng và ngang lắm. Trước đây, tôi đặt đâu thì nó nằm đó, cho gì cũng ăn, còn bây giờ thích thì ăn không thì thôi, năn nỉ mãi cũng không được”.
Anh Phi bị bại não từ lúc sinh ra, nghe được nhưng không biết nói. Cho nên, việc chăm sóc anh rất vất vả. Hàng ngày, bà Lanh phải lo cho con ăn uống, tắm rửa, dỗ dành mỗi khi con ngang bướng.
Cũng may, đại lý vé số cho bà ở trọ miễn phí, đổi lại bà nhận vé số đi bán mỗi ngày. Nhà trọ này có nhiều người ở cùng, đều làm nghề bán vé số như bà Lanh.
“Do có nhiều người nên không gian nhà trọ rất chật chội, mỗi người chia nhau hai miếng gạch mà ngủ, chỗ để quần áo còn không có”, bà Lanh cho biết.
Bà Lanh kể mùa dịch, tất cả 16 người ở trọ đều bị mắc bệnh, vài người được đưa đi bệnh viện, còn một số ở lại nhà.
Dù cả hai mẹ con đều mắc Covid-19, nhưng bà Lanh quyết định ở lại nhà để thuận tiện chăm sóc con trai.
Mệt đến ăn không nổi, bà Lanh vẫn cố nuốt cháo trắng, tập hít thở. Bà sợ bản thân có việc gì không may thì con trai không biết nương tựa vào đâu.
“Trời thương, Phi mắc Covid-19 nhưng lại không có triệu chứng nghiêm trọng. Thế nhưng, tôi không thể ra ngoài bán vé số, không có tiền mua tã, thuốc men… cho Phi. Tôi phải vay mượn mọi người, còn thực phẩm thì được phát”, bà Lanh nhớ lại.
Mới đây, con trai lớn của bà Lanh cũng vào TP.HCM sống cùng mẹ và em. Anh này bị bệnh đau lưng, không còn đi làm thuê được nữa.
Hàng ngày, anh theo mẹ và em đi bán vé số. Anh ngồi nhìn anh Phi, chốc lát lại hôn em trai một cái. Bà Lanh nhìn thấy vội quay đi, lau nước mắt đang ứa ở khóe mi.
Anh Huỳnh Huy Hôn (39 tuổi, quận 3), chủ nhà trọ mà bà Lanh đang ở cho biết: “Tôi đứng ra thuê nhà rồi cho những người bán vé số về ở trọ miễn phí. Tôi bỏ vốn nhận vé số về giao họ bán, cùng nhau san xẻ đồng lời từ việc bỏ mối, bán vé số dạo. Cô Lanh cũng ở trọ trong nhà này khá lâu rồi. Trong số những người ở trọ tại đây, cô Lanh là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Cô có con trai tật nguyền, không làm gì được, cũng không thể tự chăm sóc bản thân.
Trưởng khu phố 2 (phường 4, quận 3) cho biết: “Hoàn cảnh của bà Lanh thực tế đúng là rất khó khăn. Bà từ quê vào TP.HCM và có con tật nguyền. Mỗi ngày, bà đẩy con đi bán vé số”.
Bài, ảnh:Vịnh Nhi
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp: Bà Huỳnh Thị Lanh. Địa chỉ: 362/87 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3, TP.HCM. Số điện thoại: 0364489907
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộMS 2022.189 (bà Huỳnh Thị Lanh)
Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Vietinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamNet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch