Hiện nay, việc sử dụng thiết bị bay không người lái (drone)phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng phổ biến nhờ ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm, đặc biệt là việc bảo vệ sức khỏe cho nông dân, giúp bà con giảm nguy cơ mắc bệnh về da, thần kinh, ngộ độc… so với phun thuốc theo phương pháp thủ công.
Thời gian qua, nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang mạnh dạn ứng dụng drone vào sản xuất, giúp tiết kiệm (chi phí đầu vào, nước, thời gian), nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Nhiều hộ nông dân ở Châu Phú cũng đầu tư thiết bị bay làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, toàn huyện Châu Phú có 37 thiết bị, trong đó 13 thiết bị “3 trong 1” (sạ lúa, rải phân và phun thuốc BVTV).
Qua khảo sát của ngành nông nghiệp huyện, các thiết bị đã phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho 16.740ha của huyện, 5.280ha ngoài huyện; giá khoảng 150.000-160.000 đồng/ha. Riêng diện tích phục vụ rải phân còn thấp (485ha, giá 3.000 đồng/kg phân bón).
Thực tế, phun thuốc BVTV bằng drone là công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp được phát triển nhiều tại các tỉnh phía Nam như: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang từ nhiều năm nay do cánh đồng lớn, sản xuất đồng giống đồng trà nên sâu bệnh phát sinh đồng lứa, việc phun trừ trên diện rộng.
Từ năm 2021 đến nay, Nam Định cũng bắt đầu đưa drone vào đồng ruộng. Một số doanh nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi với các HTX, nông dân và đưa drone vào đồng ruộng.
HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc và Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đầu tư mua drone để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có một số hộ dân tự đầu tư mua drone để phun thuốc BVTV cho gia đình và tổ chức làm dịch vụ cho bà con nông dân có nhu cầu.
Không chỉ nông dân trồng lúa mà nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận cũng sử dụng drone để phun thuốc trên diện tích mía của mình.
Công ty CP Đường Biên Hòa-Phan Rang đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình “Phun phân bón lá kết hợp với thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía bằng máy bay không người lái đợt 1” trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tập trung ở các xã Lâm Sơn, Quảng Sơn và Mỹ Sơn với diện tích thực hiện được 149 ha.
Mỗi hecta mía việc phun phân bón lá hoặc thuốc BVTV bằng thủ công phải cần ít nhất 4-5 người trong một ngày, với chi phí khoảng 300.000 đồng/người/ngày, như vậy 1 ha sẽ mất từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng tiền phun thuốc.
Tuy nhiên, việc phun thuốc bằng máy bay chỉ tốn thời gian khoảng 15 phút và chỉ cần 60 lít nước để phun, chi phí cho 1 ha là 420.000 đồng/ha.
Ngoài ra, khi sử dụng máy bay thì lượng thuốc cũng sẽ giảm được khoảng 30%, vì máy bay có thể phun dưới dạng sương và với áp lực của cánh quạt giúp thuốc bám nhanh và điều vào bề mặt của lá mía.
Mỗi năm việc phun phân bón lá hoặc thuốc trừ sâu cho cây mía có thể thực hiện ít nhất 2 lần, với chi phí phun phân bón lá bằng máy bay là 420.000/ha/lần thì người trồng mía đã giảm được từ 780.000 - 1.080.000 đồng/ha/lần so với phương pháp thủ công.
Tại Yên Bái, từ năm 2022, gia đình ông Đàm Văn Phương, thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã đầu tư mua một thiết bị bay không người lái về phun thuốc trừ sâu hại quế của gia đình và các hộ xung quanh.
Nếu như trước đây khi phun thuốc theo cách thủ công, phun 1 ha quế phải mất một ngày với 4 lao động thì nay với máy bay phun thuốc thì chỉ mất thời gian 20-30 phút để hoàn thành, hạn chế độc hại cho người dân.
Sau khi đã đổ đầy thuốc, máy bay sẽ được điều khiển từ xa để tự động phun thuốc theo công nghệ phun sương. Việc áp dụng công nghệ phun bằng máy bay không người lái vào sản xuất sẽ tiết kiệm đến 90% lượng nước, tiết kiệm 20-30% lượng thuốc; góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhân công.
Trung bình một ngày, một máy bay phun thuốc trừ sâu hại quế phun được từ 20-30 ha, tùy theo địa hình. Ngày càng có nhiều hộ nông dân sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu hại quế và diệt các loại sâu hại trên các cây trồng khác.
Với nhiều ưu điểm, thiết bị bay không người lái đang thực sự trở thành trợ thủ đắc lực cho nhà nông trên hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.