Những tranh luận tại quốc hội trong phiên điều trần nhằm phê chuẩn đề cử bà Neera Tandem, ứng viên lãnh đạo Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách (OMB), diễn ra gay gắt. Các nghị sĩ Cộng hòa phản đối bà vì các tweet trước đây phê phán đảng này.
Một số nghị sĩ Dân chủ cấp tiến, như ông Bernie Sanders, cũng bất đồng từ trước với bà Tandem, nhất là trong thời gian bà làm cố vấn cao cấp cho chiến dịch tranh cử 2016 của bà Hillary Clinton.
Khả năng việc đề cử bà Tandem được chấp thuận trở nên mong manh sau khi ông Joe Manchin, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ nhưng đại diện cho bang West Virginia bảo thủ, nói sẽ bỏ phiếu chống.
Nhưng Nhà Trắng chưa từ bỏ đề cử của mình, và vẫn tìm kiếm phiếu của các nghị sĩ Cộng hòa để bà Tandem được chấp thuận.
Các cố vấn của ông Biden biết rằng sự chống đối về việc đề cử nhân sự, vào những tuần đầu nhiệm kỳ, sẽ định hình mối quan hệ giữa Nhà Trắng và quốc hội trong tương lai, theo CNN.
Neera Tandem, được ông Biden đề cử vào vị trí Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.
Mâu thuẫn gay gắt về chính sách
Tranh cãi về bà Tandem cho thấy sau bốn năm hỗn loạn của thời Trump, chính trị Washington đang trở lại bình thường, nhưng kèm theo sự đối đầu gay gắt, thậm chí hai mặt. Những người quyền lực cố tận dụng quyền lực đó để hướng môi trường chính trị theo ý mình, theo nhận định của CNN.
Một số phiên họp chất vấn các đề cử nhân sự lại chuyển thành tranh luận về các chính sách của nhiệm kỳ Biden, như biến đổi khí hậu hoặc quyền tiếp cận chăm sóc y tế.
Quá trình xem xét các đề cử diễn ra đồng thời với việc đảng Dân chủ và ông Biden cố thúc đẩy gói cứu trợ chống Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD; trong khi đảng Cộng hòa cố tô vẽ gói cứu trợ như một sự lạm quyền của đối thủ.
Nhưng đảng Cộng hòa đang đặt một canh bạc lớn. Nếu ông Biden giúp được nước Mỹ bước ra khỏi đại dịch và phục hồi nhờ gói cứu trợ, vốn đang có tỷ lệ ủng hộ cao, đảng Cộng hòa lúc đó sẽ bị coi là xấu tính, chống đối, cản trở.
Tổng thống Biden ký sắc lệnh ở Nhà Trắng ngày 24/2. Ảnh: New York Times.
Gói cứu trợ chống Covid-19 đang thử thách sự đoàn kết mà đảng Dân chủ có được từ mùa bầu cử. Nhiều câu hỏi được đặt ra, như ông Biden nên thỏa hiệp với phe trung dung trong đảng tới đâu, hay sẵn sàng đi bao xa để làm vừa lòng những người thuộc phe cấp tiến.
Nhưng đảng Cộng hòa còn bị chia rẽ hơn.
"Chiến trường thu nhỏ"
Một số thượng nghị sĩ như ông Mitt Romney giải thích rõ được lý do phản đối các chính sách hoặc các đề cử nhân sự của ông Biden, dựa vào các nguyên tắc, lập luận.
Nhưng một số thượng nghị sĩ khác trung thành với ông Trump như Ted Cruz, Josh Hawley dường như chỉ đang “biểu diễn để lấy lòng lãnh đạo về hưu của mình, hay quan trọng hơn là các cử tri của ông ta”, CNN bình luận.
Một đề cử khác của ông Biden đang vấp phải phản đối là Deb Haaland, hạ nghị sĩ bang New Mexico. Nếu được chấp thuận làm bộ trưởng Nội vụ, bà sẽ là người bản địa đầu tiên trở thành thành viên nội các Mỹ.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa rõ ràng đang hướng đến bầu cử giữa kỳ - vốn thường khó khăn cho các tổng thống nhiệm kỳ đầu. Họ lập luận rằng chính sách chống biến đổi khí hậu của ông Biden sẽ gây mất việc làm - chẳng hạn dừng cho thuê đất liên bang để khai thác dầu khí.
“Vì sao không để các công nhân đó giữ được công ăn việc làm?”, Thượng nghị sĩ John Barrasso (đảng Cộng hòa, bang Wyoming) đặt câu hỏi cho bà Haaland.
Điều này cho thấy chiến lược đang được đảng Cộng hòa áp dụng là tận dụng các phiên chất vấn ứng viên nội các để thúc đẩy quan điểm chính sách của riêng mình, theo CNN.
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, đảng Dân chủ, bang Washington, tóm gọn về chiều hướng của các phiên chất vấn: “Tôi cảm thấy phiên họp như một ‘chiến trường’ thu nhỏ về tương lai của nhiên liệu hóa thạch”.
Hạ nghị sĩ Deb Haaland, bang New Mexico, được ông Biden đề cử làm bộ trưởng Nội vụ. Ảnh: New York Times.
Đảng Cộng hòa muốn ghi điểm cho 2022
Trong một dẫn chứng cho thấy sự chia rẽ trong đảng Dân chủ, Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, đảng Dân chủ, bang New York, gương mặt đại diện cho phe cấp tiến trong đảng, phê phán ông Manchin vì tỏ ra hoài nghi đối với bà Haaland.
Bà nói chính ông Manchin vào năm 2017 từng bỏ phiếu chấp thuận Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của ông Trump, người mà bà Ocasio-Cortez coi là “phân biệt chủng tộc một cách công khai”.
“Có phải việc người phụ nữ bản xứ đầu tiên làm bộ trưởng là điều khiến ông Manchin không thoải mái?”, bà Ocasio-Cortez viết trên Twitter.
Gói cứu trợ chống dịch Covid-19, mà đảng Dân chủ đang nắm thế chủ động vì có đủ phiếu để thông qua, cũng là “chiến trường” để một số nghị sĩ Cộng hòa “ghi điểm” cho bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney và Tom Cotton đang đề nghị tăng lương tối thiểu lên 10 USD/giờ, với điều kiện phải kiểm soát để các doanh nghiệp không tuyển người nhập cư không có giấy tờ.
Tương tự, ông Manchin đề xuất tăng mức lương tối thiểu lên 11 USD mỗi giờ.
Các mức lương đề xuất này sẽ thấp hơn mức 15 USD mỗi giờ mà phe cấp tiến của đảng Dân chủ đang muốn.
Nhà Trắng không bình luận khi được hỏi ông Biden có chấp nhận ký gói cứu trợ nếu mức lương tối thiểu chỉ tăng đến 11 USD mỗi giờ hay không.
Một số nghị sĩ Cộng hòa thậm chí còn tận dụng “ghi điểm” bằng cách nhắc lại các luận điệu kích động.
Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, nhân vật chủ chốt trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump, nhắc lại các tuyên bố sai sự thật của ông Trump, cho rằng ông Biden muốn “cắt ngân sách của cảnh sát” (ông Biden chưa từng đưa ra lập trường này).
Một thượng nghị sĩ khác cũng tích cực giúp ông Trump bác bỏ kết quả bầu cử là ông Ted Cruz, bang Texas.
Khi chất vấn đề cử bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, ông Cruz phàn nàn rằng bộ này bị chính trị hóa dưới thời Obama. Ông Cruz hoàn toàn không đả động gì tới cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr - người gần như luôn hành động vì lợi ích của ông Trump, như một luật sư riêng của ông Trump, theo CNN.
Thượng nghị sĩ Ron Johnson, bang Wisconsin, lại dùng phiên chất vấn để gieo rắc thông tin sai sự thật, rằng đám đông bạo loạn ngày 6/1 tại quốc hội không phải người ủng hộ ông Trump.
Đề cử nội các bị làm khó, Nhà Trắng im lặng
Một đề cử nội các của Nhà Trắng có nguy cơ bị Thượng viện bác bỏ. Điều này đặt ra dấu hỏi về sự nhạy bén chính trị và năng lực xử lý quan hệ với quốc hội của chính quyền Biden.