Đại diện VKSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh trao giấy khen cho các cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua ngành kiểm sát giai đoạn 2015-2020
Tự hào truyền thống 60 năm
Năm 1960, hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân các cấp được hình thành và triển khai hoạt động ở miền Bắc. Trong 60 năm hình thành và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân xác định và thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; tăng cường năng lực Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngành kiểm sát chủ động xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật; xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong từng giai đoạn.
Dấu ấn 24 năm hình thành và phát triển
Riêng đối với tỉnh Bình Dương, sau khi tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, VKSND tỉnh Bình Dương chính thức được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ- TC ngày 28-12-1996 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ cấu tổ chức gồm 7 phòng nghiệp vụ và 4 Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện. Qua quá trình phát triển, đến nay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có 10 phòng và 9 Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện. Qua 24 năm phấn đấu hoạt động và trưởng thành, đến nay Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã cơ bản ổn định về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; số lượng và chất lượng cán bộ, kiểm sát viên không ngừng được nâng lên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành kiểm sát đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác kiểm sát, chú trọng xây dựng ngành về mọi mặt. Nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Người cán bộ kiểm sát phải “Công minh - chính trực - khách quan - thận trọng và khiêm tốn”. Hiện nay toàn tỉnh có 212 cán bộ, trong đó có 146 kiểm sát viên. Đại đa số cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương trong những năm qua đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới, giữ gìn được phẩm chất của người cán bộ kiểm sát trong hoàn cảnh đời sống có rất nhiều khó khăn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân do VKSND tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 22-7, ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đứng trước những khó khăn, thử thách và áp lực công việc nặng nề nhưng ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đáng ghi nhận nhất là công tác phối hợp, giải quyết các vụ án hình sự trọng điểm, phức tạp. Với những thành tích đã đạt được, VKSND tỉnh Bình Dương trong nhiều năm liền được VKSND tối cao đánh giá, công nhận là đơn vị xuất sắc, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Trung ương và địa phương. Đó là minh chứng sinh động cho hiệu quả và chất lượng hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh, xứng đáng làm điểm sáng trong ngành kiểm sát khu vực phía Nam”.
Nhiều kết quả nổi bật
Trải qua 24 năm xây dựng và phát triển, VKSND hai cấp tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Theo đó, trong 24 năm qua, ngành kiểm sát Bình Dương đã giải quyết hàng chục ngàn vụ án hình sự, hàng trăm ngàn vụ việc, vụ án dân sự phải kiểm sát; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, xử lý nhiều vụ việc bức xúc, khiếu nại kéo dài… góp phần có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cụ thể, VKSND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tư pháp, đưa ra truy tố, xét xử được nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, án tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm xâm phạm trật tự, trị an, những vụ án dư luận xã hội quan tâm. Các vụ án này, sau xét xử đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nâng cao uy tín của ngành, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với ngành nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung.
Chất lượng công tác kiểm sát xét xử ngày càng được nâng lên, từng bước khắc phục được tình trạng bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Về công tác kiểm sát việc bắt tạm giữ, tạm giam, kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam; công tác kiểm sát thi hành án dân sự; công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của hai cấp kiểm sát cũng được Viện Kiểm sát quan tâm, chú trọng... đã góp phần không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn tỉnh; có chú trọng đến việc kiểm sát việc giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp.
Với những thành tích đã đạt được, VKSND tỉnh Bình Dương nhiều năm liền được VKSND tối cao công nhận là đơn vị xuất sắc, được tặng thưởng cờ thi đua ngành. Năm 2019, Viện KSND tỉnh được tặng cờ thi đua của Chính phủ; nhiều đơn vị Viện kiểm sát huyện, thành phố, các phòng nghiệp vụ được công nhận đơn vị dẫn đầu khối; 1 tập thể được Nhà nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng nhất; 1 tập thể được Nhà nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba và 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen... Nhiều cá nhân được VKSND tối cao tặng bằng khen, được công nhận là Chiến sĩ thi đua ngành…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân do VKSND tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 22-7, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: “Qua theo dõi hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh, tôi đánh giá cao đối với những đổi mới và phát triển của ngành. Trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất, trong đó trách nhiệm công tố luôn được đề cao, bảo đảm yêu cầu xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm trong kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được tăng cường. Chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa ngày càng được nâng lên. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được thực hiện tốt, góp phần hạn chế các vi phạm trong hoạt động tư pháp. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án, trong đó có những vụ án trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.(责任编辑:Cúp C1)