Khi bong bóng internet bùng nổ vào năm 2002,ìsaoAlibabađuổiviệcnhânviênmangvềdoanhsốcôtrực tiếp 3s.net Alibaba đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn.
Công ty đặt mục tiêu thu được 1 USD lợi nhuận (chính xác là chỉ 1 USD, bởi trước đó Alibaba chỉ toàn lỗ là lỗ). Alibaba có thể sẽ phá sản nếu không đạt được mục tiêu này. Thời điểm đó, để thu được lợi nhuận, công ty đã phải đưa ra cả dịch vụ thiết kế web cho khách hàng. Và để có được khách hàng, họ sẽ phải đút lót một số người.
Alibaba đã tổ chức một buổi họp kéo dài gần như nguyên ngày để bàn bạc về điều này. CEO Jack Ma chia sẻ trong một buổi hội nghị tại Singapore: “Chúng tôi hiểu rằng hối lộ sẽ giúp chúng tôi sống sót, nếu không làm vậy, công ty có thể phá sản. Nhưng cả công ty họp tới 4h chiều rồi vẫn đưa ra quyết định là sẽ không hối lộ. Chúng tôi thà đóng cửa còn hơn là hoạt động một cách thiếu minh bạch.”
Cuối cùng quyết định đó cũng được chứng minh là đúng, và Alibaba bắt đầu thu về lợi nhuận trong năm đó.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2002, họ lại phải đưa ra một quyết định khó khăn khác.
Khi tổng kết cuối năm, công ty phát hiện ra rằng có 2 nhân viên bán hàng đã mang về tới 60% doanh số cho cả tập đoàn, nghe thật khó mà tin được. Thực chất họ đạt được điều này nhờ một số thỏa thuận riêng - chuyện có lẽ không còn quá xa lạ với dân sale.
Jack Ma lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Nếu chúng tôi sa thải họ thì công ty có thể sẽ chẳng kiếm được lợi nhuận nữa, thế nhưng nếu chúng tôi không đuổi họ thì những nhân viên khác sẽ nghĩ gì? Những tuyên bố về lối hoạt động trong sạch trước đó của công ty sẽ không còn giá trị gì nữa. Vậy nên cuối cùng công ty buộc phải để 2 nhân viên đó ra đi.”
Minh bạch dẫn lối cho thành công
Tính minh bạch rất được đề cao trong văn hóa công ty ở Alibaba từ những ngày đầu khởi sự. Trên thực tế, Ma cho rằng minh bạch chính là yếu tố sống còn quyết định thành công.
Ông nhớ lại: “Khi Alibaba mới thành lập, chúng tôi đã phải đứng trước một tình huống hết sức khó khăn. Chúng tôi chẳng có gì. Chẳng ai tin tưởng những gì chúng tôi làm. Tất cả mọi người đều nói chúng tôi điên hoặc đang lừa đảo họ.”
Những yếu tố giúp công ty thành công hóa ra không phải tiền bạc hay tài năng mà chính là ở những giá trị mà Alibaba đề cao: khách hàng là thượng đế, tinh thần đồng đội và sự minh bạch. Minh bạch với khách hàng chính là chìa khóa giúp họ có được những khách hàng lâu năm luôn đặt niềm tin vào công ty.
Alibaba bắt đầu thu phí hàng năm cho việc giúp các công ty Trung Quốc đặt hàng từ nước ngoài. Tuy nhiên, sau 1 năm, giá trị giao dịch của các công ty khách hàng thậm chí còn không vượt được cả số phí cả năm họ đã đóng.
Ông kể: “Các nhân viên của chúng tôi đều rất buồn phiền vì cảm thấy như đang khiến khách hàng thất vọng. Trong suốt các chuyến thăm cuối năm, các nhân viên đều nói với khách hàng một rất thành thực: ‘thương mại điện tử có tiềm năng rất lớn nhưng quả ngọt có thể sẽ chưa thấy ngay được ở thời điểm hiện đại. Quý vị có thể lấy lại tiền và ngưng sử dụng dịch vụ của chúng tôi vào năm tới.'”
Các khách hàng đều phản ứng lại một cách tích cực. Họ hiểu rằng thị trường cần thêm thời gian để trưởng thành. Nhiều người trong số họ vẫn là khách hàng của Alibaba cho tới tận hôm nay.
Kể từ đó, “không hối lộ” được thiết lập rõ ràng trong bộ quy tắc ứng xử tại Alibaba. Không có một lời hứa hẹn suông nào hết – cứ phá luật là sẽ bị đuổi khỏi công ty ngay lập tức.
Khi Alibaba bắt đầu gặt hái thành công, nạn đút lót hối lộ lại đi theo chiều hướng khác. Công ty đã thiết lập quy định cứng rắn cấm nhân viên đưa hối lộ hòng lấy doanh số.
Jack Ma cho biết: “Các nhân viên của chúng tôi không được phép nhận cả những chuyến xe hay bữa ăn miễn phí. Những món quà nhỏ, thậm chí chỉ là kẹo bánh thôi cũng sẽ bị gửi trả lại. Nếu không như vậy thì điểm giá trị của nhân viên đó sẽ rất thấp và anh ta có thể sẽ trở thành đối tượng chịu phạt.”
Ông đã từng sa thải một chuyên viên đào tạo đội ngũ bán hàng vì đã thuyết giảng những giá trị sai lầm.
“Chuyên viên đào tạo đó nói về cách thức bán được lược cho các vị sư. Chỉ sau 5 phút, tôi đã hết sức giận dữ và sa thải anh ta. Tôi nghĩ anh ta đã gian lận, các vị sư sãi đâu cần lược chứ.”
Ma cũng nói thêm rằng các lãnh đạo tốt không đưa ra quyết định dựa trên tiền bạc mà dựa trên các giá trị bởi các quyết định dựa trên tiền bạc thường sẽ thiếu tính chiến lược.
"Tôi luôn tin rằng một vị giám đốc tài chính tốt sẽ khó có thể trở thành một người lãnh đạo công ty tốt bởi các giám đốc tài chính luôn chỉ nghĩ về tiền bạc và lợi nhuận. Những người luôn để tiền bạc xâm chiếm tâm trí như vậy sẽ rất khó có thể làm những điều tốt hay trở thành bạn bè tốt.”
Những giá trị toàn cầu
Khi Alibaba bành trướng ra ngoài đại lục, các giá trị của công ty cũng được dư luận quan tâm sâu sát.
Công ty từng bị chỉ trích là đã không nỗ lực chống lại sự xâm nhập của hàng giả hàng nhái trên nền tảng của mình.
Ma từng đáp lại rằng: “Vấn đề là các sản phẩm nhái hiện nay thậm chí còn có chất lượng lẫn giá thành tốt hơn cả sản phẩm gốc. Chúng được ra lò từ cùng những nhà máy đó, cùng những nguyên liệu đó, nhưng sử dụng những cái tên khác mà thôi.”
Một số ý kiến cho rằng Ma nói vậy chỉ để chối bỏ trách nhiệm ngăn chặn hàng nhái của mình.
Một vấn đề khác của công ty là tự do ngôn luận. Việc Alibaba đã mua lại tờ báo Hong Kong nổi tiếng South China Morning Post đã dấy lên những cáo buộc cho rằng công ty đang muốn khống chế các luồng thông tin về mình.
Tuy nhiên, Jack Ma cho rằng những chuyện như vậy sẽ không xảy ra.
Gần đây, các nhà chức trách Mỹ đã kiểm tra các hoạt động kế toán của Alibaba sau các nghi ngại về sự thiếu nhất quán giữa tỷ suất tăng trưởng và lợi nhuận của công ty.
Mặc dù Ma đã khá thành công trong việc thiết lập giá trị minh bạch cho Alibaba nhưng mọi thứ lại có vẻ mập mờ hơn nhiều khi tập đoàn tiến ra nước ngoài, nơi mà những thước đo của họ lại không thỏa mãn được những chuẩn mực chung toàn cầu.
Và cho dù Ma luôn thu hút mọi sự chú ý tại Trung Quốc nhưng điều này cũng không hoàn toàn đúng tại những nơi khác.
Theo Trí thức trẻ/Tech In Asia