Tư tưởng xây dựng Đảng trong Di chúc bao gồm những vấn đề rất cơ bản và phong phú mà nội dung quan trọng là giáo dục,ưtưởngxâydựngĐảngtrongDichúccủaChủtịchHồChíkqbd romania rèn luyện đảng viên, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức, năng lực trí tuệ của đội ngũ; chống giáo điều, chủ nghĩa cá nhân; tuân thủ triệt để và vận dụng sáng tạo nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trong Di chúc, khi nói về Đảng, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Với Người, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tình hình càng phát triển, nhiệm vụ càng nặng nề, sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng càng quan trọng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết, nên trong quá trình cách mạng, từ khi sáng lập Đảng cho đến trước lúc đi xa, Người rất coi trọng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, thường xuyên quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng Đảng, chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên về phẩm chất đạo đức cách mạng nhằm xây dựng Đảng ta thành một Đảng cách mạng, trong sạch, đoàn kết, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Cán bộ, đảng viên phải trong sạch, có đủ trí tuệ và năng lực lãnh đạo, được nhân dân tin yêu
Về chỉnh đốn Đảng, Người không coi đó là biện pháp tình thế mà là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, là sự vận động trong quá trình phát triển. Khi cách mạng khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng thái độ bình tĩnh, sáng suốt, kiên định lập trường, không để rơi vào tình trạng dao động, bi quan; khi cách mạng trên đà thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn, lạc quan tếu. Đặc biệt, trước yêu cầu xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử mới và trước thực trạng của Đảng ta hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa là cơ bản, thường xuyên lại vừa rất cấp bách.
Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển, là phương thức giáo dục, rèn luyện đảng viên và xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thường xuyên trong sạch, vững mạnh. Người yêu cầu “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Muốn thực hiện nguyên tắc này, theo Người, mỗi đảng viên phải tự phê bình mình trước, sau đó mới phê bình người khác. Người nhắc nhở, cán bộ trọng trách càng cao, đảng viên trách nhiệm càng lớn càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Trong tự phê bình và phê bình, Hồ Chủ tịch rất coi trọng cái tâm trong sáng, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Hồ Chí Minh là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí. Người coi đó là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Người yêu cầu “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Để thực hiện tốt điều đó, trước hết đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ trí tuệ và năng lực lãnh đạo, được nhân dân tin yêu, xứng đáng là tấm gương, là ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.
(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)