Ở viện dưỡng lão Diên Hồng,ụôngtuổisốngtrongviệndưỡnglãoTựnấuănmuađồbongda tivi ai cũng biết ông Nguyễn Như Ngà (96 tuổi), nhà ở phường Láng Hạ, Hà Nội. Dù ở tuổi gần 100 nhưng ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, đi lại hoạt bát, ăn nói nhanh nhẹn và nghe được rất rõ.
Hơn 4 năm vào viện, ông đã quen với môi trường, con người ở nơi đây và coi viện dưỡng lão là mái nhà thứ hai. Ông kể, ông và vợ (86 tuổi) vốn sống trong căn nhà tầng ở đường Láng. Con cái của ông, người sống ở nước ngoài, người lập nghiệp ở TPHCM, cuộc sống dư dả.
“Nhiều lần con trai ngỏ ý đón vợ chồng tôi vào TPHCM nhưng tôi không thích. Ở ngoài này nhà rộng lại quen đất, quen người, tôi thấy thoải mái hơn. Thương con, thương cháu, thi thoảng chúng tôi vào chơi vài ba ngày là đủ”, ông nói.
Nhưng bệnh tật không chừa một ai, ông bị huyết áp cao, còn bà hay đau yếu. Chăm sóc mình còn khó nên bà không thể lo cho ông. Các con thuê cho ông bà một người giúp việc lo liệu chuyện nấu nướng. Dù vậy, các con vẫn không yên tâm.
Hiểu được nỗi lòng của các con, ông Ngà nghĩ đến việc vào viện dưỡng lão để tuổi già được yên tâm, con cái không phải lo lắng, ảnh hưởng tới công tác. Nghe quyết định của bố, hai con ra sức ngăn cản nhưng ông Ngà vẫn một mực làm.
Chọn chế độ một mình một phòng, ông Ngà tự nấu ăn, tắm giặt. “Tôi thích ăn thực dưỡng nên hay nấu gạo lứt, ăn kèm rong biển và các loại hạt làm đồ ăn chính trong ngày. Các thực phẩm như thịt, cá,… tôi hạn chế vì muốn đảm bảo sức khỏe”, ông kể.
Để chủ động hơn, ông thường lên mạng đặt hàng online, đa số là các thực phẩm khô, phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Những món như thịt, cá, ông có thể nhờ nhân viên trong viện mua giúp.
“Mỗi sáng, tôi thức dậy từ 5 - 6h để tập thể dục, sau đó ăn sáng vào lúc 7h. Đến 11h30, tôi ăn trưa rồi nghỉ ngơi. Buổi chiều, tôi ra ngoài hóng gió và ăn tối lúc 17h.
Rảnh rỗi, các con gọi điện hỏi thăm sức khỏe của bố. Bà xã cũng vào thăm nom thường xuyên.
Thi thoảng sức khỏe tốt, vợ tôi lại vào TPHCM hay đi nước ngoài ở với con cái vài ngày. Đó là lý do bà ấy không cùng tôi vào viện dưỡng lão”, ông nói.
Bốn năm sống ở viện dưỡng lão, ông Ngà luôn cảm thấy biết ơn những “người con, người cháu” trong viện đã hỗ trợ mình hết lòng. “Có hai lần huyết áp lên cao đột ngột, tôi đều được các nhân viên trong viện hỗ trợ kịp thời.
Một lần tôi bị ở trong phòng, phải bấm chuông gọi nhân viên. Một lần đang đi chùa tham quan, tôi đột ngột tăng huyết áp. May có đội y tế kịp thời cứu chữa, giúp tôi qua cơn nguy hiểm. Điều này khiến tôi cảm thấy yên tâm khi ở đây”.
May mắn trời cho sức khỏe nên mỗi dịp cuối tuần, ông Ngà có thể tự bắt taxi về thăm nhà, thăm vợ. Ông vui với cuộc sống hiện tại, các con cũng cảm thấy yên tâm. “Tôi vui, khỏe, các con cũng vui, không phải lo lắng cho bố thì còn gì tuyệt vời hơn".
“Đây là nhà của mẹ”
Ở trong viện dưỡng lão lâu hơn ông Ngà 1 năm là bà Nguyễn Thị Biển (92 tuổi, Hà Nội). Năm năm trong viện là 5 năm bà Ngà đón tết Nguyên đán ở đây.
Sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái nhưng bà chọn vào viện dưỡng lão để “nuôi dưỡng tuổi già” với tinh thần không dựa dẫm vào các con, muốn tự quyết định cuộc sống của mình.
Khi nói ra quyết định của mình, các con bà kiên quyết phản đối. Nhưng bà khăng khăng đây là lựa chọn tốt. Bà nhờ con dâu đi tìm giúp mình một viện dưỡng lão tốt. Và năm 2020, bà chính thức vào “căn nhà chung” này.
Bà chọn phòng có hai người để được yên tĩnh hơn. Ngoài tiền lương hưu, các con cũng hỗ trợ bà để lo trả chi phí.
“Ban đầu các con phản đối, không muốn mẹ phải vào viện dưỡng lão. Các con nói có thể thay nhau chăm sóc hoặc thuê người giúp mẹ khi bận công việc nhưng tôi nghĩ, những người khác ở được, mình cũng sẽ ở được.
Các con được yên tâm đi làm là điều khiến tôi hạnh phúc nhất”, bà nói.
Mỗi dịp Tết dương lịch, bà lại gọi các con đến đón mình về chơi mỗi nhà vài ngày. Sau Tết dương, bà quay trở lại viện dưỡng lão. Bà muốn ăn Tết trước để dịp Tết chính, các con không phải bận rộn lo cho mình.
Những ngày đầu chưa quen cuộc sống ở viện, bà Biển khá buồn. Nhưng sau, nhờ tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ, bà cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, đặc biệt bà có thêm nhiều người bạn mới.
“Tuổi già, được gặp gỡ, kết giao với nhiều người bạn thật sự rất ý nghĩa. Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi đó là các cụ trong viện được nhân viên ở viện cõng, được giám đốc dìu đi tiêm chủng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Thi thoảng, viện có tổ chức một số chuyến tham quan gần cho các cụ. Đôi lúc chúng tôi cũng được các cháu chở đi chợ, tự sắm đồ mình thích. Dù xa các con nhưng tôi không hề cảm thấy cô đơn”, bà nói.
Mỗi lần các con đến chơi, bà Biển luôn nói với các con rằng: "Đây là nhà của mẹ, các con đến đây là đến nhà thăm mẹ. Mẹ về nhà các con là mẹ về chơi với các con thôi".
Ở tuổi 92, mắt bà sáng, dùng điện thoại thông minh thành thạo nên thường xuyên nhắn tin cho con cháu. Mỗi lần gia đình có chuyện vui, các con đều gọi điện thông báo với mẹ. Các cháu nhớ bà, thường xuyên nhắn tin, chia sẻ thành tích học tập.
“Lần đó, đọc tin của cháu ngoại gửi báo cáo thành tích học tập, tôi mừng rơi nước mắt. Các con, cháu được khỏe mạnh, công việc thành đạt, học tập suôn sẻ là tôi vui rồi”, bà nói và khoe ảnh cháu ngoại xinh xắn lưu trong điện thoại.
“Tôi ở nhà có 6 người con nhưng vào đây tôi có vài chục người con, tình cảm gấp bội. Đó là điều khiến tôi cảm thấy không có gì phải lăn tăn”, bà bộc bạch.