Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội,ỳhọpthứnhấtQuốchộikhóaXVƯutiênphòngchốngdịbang xep nhat anh ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) Sáng 22/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. Báo cáo đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm. Nỗ lực vượt khó, tập trung thực hiện mục tiêu kép Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép," vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trước diễn biến dịch phức tạp ở trong nước với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có kết luận, công điện về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ”, đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, các đoàn thể, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng và kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước trong phòng, chống dịch. Các lực lượng cũng tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vaccine; thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vaccine cho nhân dân. "Nhân dịp này, Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch; trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19," Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Không để dịch bùng phát, lây lan rộng Đề cập nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép" nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết," Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình; tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) "Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương '5K + vaccine' và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh mà dịch đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch," Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể; tham gia phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân. Đồng thời, giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mọi tình huống. Một nhiệm vụ nữa được Phó Thủ tướng nêu, các cấp, các ngành, địa phương cần thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn; tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong. Theo Phó Thủ tướng, cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; Chính phủ chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022. Đồng thời, huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vaccine; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tiến tới tự chủ vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh; tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly; có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời những cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân làm tốt trong công tác phòng, chống dịch./. Theo TTXVN