Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vừa cho biết, trong năm 2016, kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, nhất là trong việc triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 đến người sử dụng.
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, năm 2016 vừa qua, hoạt động triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 đã được đẩy mạnh, tạo nên kết quả triển khai IPv6 nổi bật của Việt Nam. Tính đến nay, tỉ lệ truy cập Internet qua địa chỉ IPv6 của Việt Nam tăng trưởng lên khoảng 5% với hơn 2,2 triệu người dùng IPv6 (nguồn Cisco), Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 4 khu vực châu Á về kết quả triển khai IPv6.
Trong khi trước đó, tại hội nghị tổng kết giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển Ipv6 quốc gia hồi cuối tháng 4/2016, VNNIC cho hay, kết thúc giai đoạn II - giai đoạn khởi động (2013 - 2015) của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, mặc dù các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn ở Việt Nam đã sẵn sàng IPv6 về hạ tầng, mạng lưới nhưng chưa triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 thực tế tới người sử dụng. Do đó, chỉ số người dùng IPv6 Việt Nam khi đó chỉ đạt khoảng 0,05%.
Về số liệu thực tế phản ánh mức độ sẵn sàng IPv6 của Việt Nam, theo VNNIC, thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho hay, chỉ số truy cập qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng tốt, đặc biệt từ sau Ngày IPv6 Việt Nam (6/5/2016). Tính đến tháng 12/2016, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Internet Việt Nam đạt khoảng 5%, thời điểm cao nhất lên tới 6,28%, đưa Việt Nam vượt lên đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 4 khu vực châu Á.
Còn theo thống kê của phòng Lab Cisco, chỉ số tỉ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, với khoảng 4,7% (tương đương 2.224.000 người sử dụng IPv6, vượt xa mục tiêu đưa tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt từ 1 - 2% đã được các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cam kết cùng chung tay thúc đẩy tại Ngày IPv6 Việt Nam 2016.
Các số liệu tổng hợp từ báo cáo thống kê kết quả triển khai IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam như: FPT Telecom, VNPT, Viettel, MobiFone, NetNam, CMC Telecom… cũng cho thấy, công tác triển khai IPv6 cho mạng lưới và dịch vụ tại Việt Nam đã thu được những kết quả ấn tượng. Việt Nam đã có hơn 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6, băng thông quốc tế qua IPv6 khoảng 3.700 Gbytes, lưu lượng IPv6 khoảng 400 Gbytes.
Đại diện lãnh đạo VNNIC đánh giá, kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2016 có được là do các doanh nghiệp lớn đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, trong đó FPT Telecom là đơn vị tiêu biểu.
Trong năm 2016, FPT Telecom đã cung cấp dịch IPv6 cho khoảng 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 100% các website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên nền IPv6. Đồng thời, nhà mạng này đã triển khai IPv6 cho mạng nội bộ cũng như các dịch vụ nội dung, ứng dụng với khoảng 1 triệu khách hàng IPv6 truy cập. Tỉ lệ lưu lượng IPv6 quốc tế đạt khoảng 22,7% (băng thông 3.491 Gbytes), trong nước khoảng 0,037% (băng thông 456 Gbytes). Với kết quả này, FPT Telecom hiện là doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam và đứng thứ 17 trên thế giới trong công tác triển khai IPv6.