Thời gian qua,ìnhDươngbứtphámạnhmẽtrongxâydựngnôngthônmớarsenal tula vs tỉnh Bình Dương đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 43/46 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã NTM trong tỉnh đã có sự đổi mới ngày càng rõ nét, đời sống nhân dân được nâng cao. Xung quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trong giai đoạn 2016- 2018, Bình Dương đã đạt được những thành tựu nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông có thể đánh giá khái quát về những chuyển biến của khu vực nông thôn trong tỉnh từ khi thực hiện chương trình đến nay?
- Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn tại các xã trong tỉnh được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Trong ảnh: Đường vào trung tâm xã NTM Thạnh Hội, TX.Tân Uyên được đầu tư khang trang, sạch đẹp.Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2018 số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 100%. Để hoàn thành mục tiêu này, trong 3 năm qua, với sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Kết quả nổi bật từ việc thực hiện xây dựng NTM là bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khang trang và hiện đại; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, năm 2018 bình quân thu nhập đạt 58 triệu đồng/người; an ninh trật tự khu vực nông thôn được bảo đảm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp ở khu vực nông thôn trong tỉnh phát triển mạnh, cụ thể là đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị như VSIP 2, Bàu Bàng, Nam Tân Uyên... góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
- Xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh đã có những giải pháp nào nhằm huy động các nguồn lực và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, thưa ông?
- Từ năm 1999, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên hiện nay) và một số xã khác. Có thể nói, từ kết quả bước đầu thực hiện xây dựng NTM tại các xã điểm nói trên đã ít nhiều giúp cho các địa phương trong tỉnh tích lũy kinh nghiệm, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Điểm đáng chú ý là tỉnh không bố trí nguồn vốn trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại tỉnh, chủ yếu là nguồn vốn phân cấp cho các huyện, thị và nguồn vốn lồng ghép từ các sở, ban, ngành đầu tư cho nông thôn.
Bên cạnh đó, thông qua phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”, người dân nông thôn trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Từ đó, người dân nông thôn trong tỉnh tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho quy hoạch, đề án xây dựng NTM, đóng góp công sức, vật chất để cùng địa phương thực hiện chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, đường giao thông nông thôn... Đặc biệt, một số địa phương trong tỉnh đã có những mô hình hay trong xây dựng NTM, điển hình như phong trào thi đua hộ NTM đạt tiêu chí “Xanh - Sạch - Đẹp - Sáng” ở TX.Tân Uyên; mô hình phân loại rác tại nguồn ở xã Phú An, TX.Bến Cát…
Việc phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn trong tỉnh. Thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn nông thôn trong tỉnh đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, tạo việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp và nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn.
- Xin ông cho biết, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian tới tỉnh cần triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ gì?
- Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tại Quyết định số 1925/ QĐ-UBND ngày 16-7-2018. Tại quyết định này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: UBND các huyện, thị chỉ đạo UBND các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM rà soát, đánh giá các tiêu chí đạt được, tiếp tục đầu tư thực hiện nâng chất các tiêu chí NTM còn hạn chế để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020 ban hành tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 24-3-2017 của UBND tỉnh. Đối với các xã đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện xã NTM nâng cao giai đoạn 2018- 2020 nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thị tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, chuyển dịch đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang đất công nghiệp, dịch vụ và đô thị để phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và đô thị, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường quốc phòng - an ninh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị gắn với công nghiệp chế biến; khuyến khích và hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất, hình thành các trang trại, doanh nghiệp trong nông nghiệp. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và tỉnh đã ban hành trong thời gian qua để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần vận động nhân dân giữ gìn di tích lịch sử, các loại hình nghệ thuật văn hóa, định kỳ tổ chức hội diễn văn nghệ, thể thao để tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào xây dựng NTM; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn. Các địa phương cần ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, ấp hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng NTM.
Song song với đó, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...
- Xin cảm ơn ông!
Đến nay, các hộ dân ở khu vực nông thôn trong tỉnh không còn nhà tạm, dột nát; 99,98% hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 90%; 100% số xã đạt chuẩn về y tế; tỷ lệ trường học trên địa bàn các xã đạt chuẩn quốc gia là 66,28%… Toàn tỉnh hiện có 43/46 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 3 xã chuyển lên phường, thị trấn), 2 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, đồng thời đang trình công nhận TX.Bến Cát hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.