Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật.
Ngày 22/9,ủtướngGiảiquyếtvướngmắccungứngđủthuốcchokhámchữabệlịch thi đấu hạng 2 anh tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng Chín năm 2022.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe dự thảo, tờ trình và cho ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030; đề nghị xây dựng Luật Công chứng, Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đề xuất kéo dài thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia
Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá: việc xây dựng, trình Hồ sơ quy hoạch phù hợp với các quy định của pháp luật; thống nhất với nội dung chính của dự thảo Quy hoạch. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể vào Quy hoạch để đảm bảo tính toàn diện, tổng thể, liên thông, bền vững.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là lần đầu tiên xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch đã bám sát, bảo đảm thống nhất quy định có liên quan; các định hướng lớn của Quy hoạch đã bám sát và thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, định hướng phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng cho rằng về cơ bản, nội dung của báo cáo Quy hoạch đã xem xét đến tính hợp lý, logic giữa các hợp phần; các vấn đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng đã được tích hợp và được xử lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các Luật.
Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ Ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến tham gia của thành viên Chính phủ và đúng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng lưu ý phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực trong quản lý quy hoạch; thể hiện Quy hoạch đảm bảo dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá; sớm trình cấp có thẩm quyền.
Mở rộng phạm vi công chứng
Về đề nghị xây dựng Luật Công chứng, các thành viên Chính phủ thống nhất sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiến tới đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với Nhà nước và xã hội.
Nội dung Luật Công chứng đảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về xã hội hóa, phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục, thực hiện thuận lợi cho xã hội, chú ý ưu tiên đến vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước bảo đảm đúng định hướng, có điều tiết.
Đồng thời, đề nghị Bộ chủ trì tiếp tục đánh giá kỹ quy định của các luật chuyên ngành liên quan, tránh chồng chéo, thiếu đồng bộ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất mở rộng phạm vi của công chứng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân nhưng bảo đảm giảm gánh nặng cho các cơ quan nhà nước, tăng trách nhiệm của công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng đối với người dân cũng như đối với Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật.
Đặc biệt, nội dung chuyển đổi số cần xử lý đồng bộ theo các quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Luật Công chứng chỉ quy định nguyên tắc và các nội dung thực sự đặc thù, riêng biệt (nếu có). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là cần thiết nhưng cần đề xuất xây dựng Đề án tổng thể với các cơ sở dữ liệu khác của ngành Tư pháp và có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Về kiến nghị bổ sung trách nhiệm công chứng đối với các giao dịch bất động sản, cần bảo đảm giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thủ tục, giảm chi phí. Đặc biệt, các mức phí, lệ phí cần được tính toán phù hợp để người dân có thể tiếp cận và tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách.
Khai thác tiết kiệm và bền vững tài nguyên
Đối với đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), các đại biểu thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xử lý những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng đề nghị việc xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) phải nhằm tăng cường quản lý Nhà nước, song giải phóng nguồn lực; khai thác tiết kiệm và bền vững tài nguyên; bảo vệ môi trường.
Luật phải tháo gỡ được những vướng mắc; quy định những vấn đề thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định; tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, tạo môi trường lành mạnh, thông suốt thực hiện.
Cùng với việc cho ý kiến cụ thể đối với từng nội dung của Luật Khoáng sản (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, thống nhất, khả thi; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2023.
Giải quyết kịp thời vướng mắc, cung ứng đủ thuốc cho khám, chữa bệnh
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các thành viên Chính phủ cho rằng việc sửa đổi Luật dược là cần thiết, nhằm thể chế hóa Nghị Quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bảo đảm đáp ứng thuốc theo hướng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Thủ tướng đề nghị xây dựng Luật cần bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý, sản xuất, kinh doanh dược; tiếp cận tối đa các thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tháo gỡ vướng mắc; giảm tối đa thủ tục hành chính. Những quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ ràng về nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể.
Đặc biệt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống đại dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ thuốc khám, chữa bệnh cho nhân dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo tính khoa học, an toàn, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến vào các nội dung về bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới; tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng có tác động để bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, thống nhất, khả thi; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trình Quốc hội, bảo đảm cung ứng thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Đề nghị kéo dài thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về phòng, chống dịch
Đối với việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ cho rằng Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; góp phần giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, tình hình có những diễn biến mới.
Do đó cần sơ kết, tổng kết, đánh giá, chính xác kết quả, hiệu quả của Nghị quyết; đề xuất tiếp tục kéo dài thực hiện các chính sách, đặc biệt bổ sung, điều chỉnh chính sách kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng nhấn mạnh trên cơ sở kết quả tổng kết Nghị quyết số 30/2021/QH15 mà Chính phủ đã thảo luận, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện những giải pháp, cơ chế chính sách và giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng chống dịch.
Kết thúc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các thành viên Chính phủ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thời gian, công sức, tập trung xây dựng pháp luật và có những ý kiến góp ý xác đáng, sát thực tiễn trước các vấn đề cấp bách của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định. Do đó, trong thời gian tới, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành thời gian, công sức, trí tuệ, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống./.
Theo TTXVN