Lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Yangon. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 18/12,ủtướngNguyễnXuânPhúckếtthúcchuyếnthămchínhthứkq usa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa liên bang Myanmar theo lời mời của Tổng thống U Win Myint.
Trong chuyến thăm chính thức Myanmar đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16-18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Tại thủ đô hành chính Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Win Myint, hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và gặp Chủ tịch Quốc hội T Khun Myat.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar; thăm một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Myanmar-Việt Nam, Thủ hiến vùng Yangon…
Myanmar đã tiến hành các nghi thức trọng thị cao nhất dành cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong các cuộc hội đàm, làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Myanmar cùng thống nhất nhận định quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt, tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt, thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hợp tác kinh tế thương mại phát triển mạnh mẽ, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.
Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, năng lượng, thông tin viễn thông... đã có nhiều thành tựu nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nước: “Điểm sáng nhất mà chúng tôi ấn tượng là quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh. Đến năm nay, thương mại hai nước đã đạt trên mức dự kiến 1 tỷ USD và nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.”
Thực tế, năm 2019, kim ngạch thương mại hai nước đạt 1,020 tỷ USD, vượt mục tiêu 1 tỷ USD đã đặt ra cho năm 2020.
Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước đầu tư vào Myanmar với trên 20 dự án. Hiện có hơn 220 đại diện thương mại Việt Nam hoạt động kết nối, giao thương, đầu tư sôi động trên nhiều lĩnh vực tại thị trường Myanmar.
Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được thúc đẩy. Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân có nhiều đột phá.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ-cứu nạn, hợp tác quân-binh chủng, quản lý biên giới, tình báo quốc phòng; chống các loại tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, di cư trái phép, rửa tiền....
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Myanmar đã đồng ý nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; đánh giá cao việc vừa qua Myanmar đã tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam; đề nghị lãnh đạo cấp cao Myanmar xem xét tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myamar để tạo thêm khuôn khổ hợp tác sôi động giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi chứng kiến Lễ ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2019-2024; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Myanmar. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Myanmar đề xuất khả năng thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước nghiên cứu cụ thể; khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar, coi đây là thị trường trọng điểm trong tương lai, đồng thời hoan nghênh doanh nghiệp Myanmar đầu tư vào Việt Nam.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suki nói: “Chúng tôi vô cùng ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam đạt được. Ngài Thủ tướng đã trao đổi với tôi, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam chỉ còn 1,45%, một thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này rất quan trọng với những quốc gia như Myanmar và Việt Nam, bởi nâng cao đời sống của người dân là điều hết sức quan trọng. Myanmar mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này.”
Bà Aung San Suu Kyi ghi nhận các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục tạo thuận lợi, giảm bớt rào cản kỹ thuật hàng xuất khẩu Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng, được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Bên cạnh đó xem xét, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai cáp quang và hạ tầng viễn thông; tham gia các dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các dự án phát triển xã hội, chính phủ điện tử; cho phép đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí và cung ứng dịch vụ dầu khí; đầu tư trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, xuất khẩu và sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực tiềm năng khác.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam và Myanmar cùng các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục ủng hộ Myanmar trong xử lý vấn đề bang Rakhine bảo đảm hòa bình, ổn định, hòa giải dân tộc.
Hai bên đã chứng kiến lễ ký và trao 4 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2019-2024, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
Hai bên đã trao công hàm về việc sửa đổi Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước, với thời hạn lưu trú là 30 ngày thay vì 14 ngày như hiện nay.
Tại Yangon, thành phố lớn nhất, đồng thời là trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm trụ sở Mytel, liên doanh giữa Tập đoàn Viettel của Việt Nam và các đối tác Myanmar, hiện nay là nhà mạng lớn thứ 3 với hơn 7 triệu thuê bao và ngày 5/8/2019 vừa qua, Mytel đã trở thành nhà mạng đầu tiên ra mắt công nghệ 5G hiện đại trên không gian mạng của Đất nước Chùa vàng, mở ra cơ hội hợp tác phát triển vượt bậc trong thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cho rằng Mytel là hình ảnh đẹp về cùng phối hợp, cùng phát triển, cùng hưởng lợi giữa Việt Nam và Myanmar.
Nhấn mạnh quan điểm “chúng ta không xuất khẩu công nghệ lạc hậu mà hợp tác với nước bạn trong ứng dụng công nghệ tiên tiến,” Thủ tướng mong muốn Mytel tiếp tục phát triển, xứng đáng là đại sứ văn hóa và kinh doanh, lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai nước.
Thủ tướng cũng đến thăm các văn phòng THACO, BIDV tại Myanmar; dự lễ khai trương văn phòng Ngân hàng HD Bank tại Myanmar.
Qua đây, Thủ tướng động viên các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, đạt hiệu quả cao hơn nữa góp phần tích cực vào quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam-Myanmar
Đến thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ, nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar, Thủ tướng lưu ý Đại sứ quán chú trọng công tác cộng đồng, đây là trách nhiệm rất lớn, “một giọt máu đào hơn ao nước lã.”
Thủ tướng mong muốn bà con tuân thủ pháp luật nước sở tại, gương mẫu, đầu tư, kinh doanh, làm ăn chân chính, học tiếng Việt, giữ gìn hình ảnh Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và hoan nghênh những đóng góp to lớn của Hội hữu nghị trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước thời gian qua.
Thủ tướng đề nghị Hội hữu nghị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác thiết thực giữa hai nước, đặc biệt là trong năm 2020, năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tiếp Thủ hiến vùng Yangon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trước những bước phát triển vượt bậc của Cố đô trong thời gian qua. Yangon được coi là địa điểm ưa thích của các nhà kinh doanh, đầu tư và khách du lịch đến từ Việt Nam.
Thủ tướng cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Yangon và các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng đề nghị Thủ hiến vùng Yangon tiếp tục hỗ trợ công tác của Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Yangon.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc thành công tốt đẹp, qua đó góp phần tích cực đưa quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar lên một tầm cao mới, nồng ấm hơn, sâu sắc hơn, với sự tin tưởng chính trị cao, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
TheoTTXVN
(责任编辑:Thể thao)