Tâm sự của cha lúc 2h sáng
Hôm 17/6,ỏgóptiềnmuaváybầutặngmẹchaởxatrằntrọccảđêkết quả giải vô địch nhật bản anh Nguyễn Quốc Vương (SN 1990, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đăng tải bài tâm sự, kèm theo hình ảnh đoạn trò chuyện giữa anh và con gái trên nhóm Facebook có hơn 600 nghìn thành viên.
Anh Vương viết: “Trẻ con mà, nó có biết gì đâu!
Tôi có hai đứa trẻ con, thằng lớn 11 tuổi, con bé 7 tuổi. Trẻ quê, nhiều nắng, nhiều gió, ít điều kiện, nên không biết nhiều.
Vì nhiều lý do, chủ yếu vì tiền, tôi phải đi làm xa, lâu, lâu lắm mới được về nhà. Vợ tôi ở nhà bán cháo vịt, mà cũng bán được ít tháng nữa thôi, vì đang bầu một cô công chúa nữa.
Tháng 6, nghỉ hè, thằng anh bàn với con em xuống phụ mẹ bán cháo, tự nghĩ, tự bàn, tự thống nhất với nhau sao đó, chả rõ…
Từ đó, cứ chiều chiều, thằng anh vắt vẻo trên cái xe đạp cao hơn cả chân nó, chở con em đu cứng phía sau, đi hơn một cây số xuống quán cháo, mỗi đứa một ngày, thay phiên, để còn đi chơi.
Mẹ nó vẫn “trả lương” cho chúng nó, mỗi ngày 10.000 đồng, xem như cho hai đứa chút tiền ăn quà vặt. Trẻ con mà, có biết gì đâu.
Mỗi khi có chuyện gì hay, hai đứa nó đều nhắn tin kể cho tôi, như bạn, quý lắm, chuyện trả lương cũng vậy.
Con bé kể tôi: 'Ba ơi, con đi làm được mẹ trả lương nè, 10.000 một ngày, con được 30.000 rồi…'.
- Giỏi quá, rồi con mua gì rồi?
- Con không biết mua gì á, con tính để dành cho nhiều nhiều.
- Ừ đúng rồi, con để dành thì sẽ được nhiều, thì sẽ mua được thứ có giá trị hơn, ý nghĩa hơn…
- Con mua gì cũng được hả ba?
- Ừ, tiền của con mà, con làm ra thì con có quyền quyết định chứ…
Câu chuyện cứ thế trôi đi, chuyện trẻ con, hơi đâu mà nhớ. Cho đến một hôm, khoảng hai tuần sau đó, em bé lại nhắn tin cho tôi:
- Con với anh hai tặng mẹ váy bầu (kèm hình một cái váy hình heo hồng)
- Ủa, tiền đâu ra mà mua hay vậy?
- Tiền đi phụ mẹ, mà anh hai đặt lộn size, mẹ 72 kg…
- Thương vậy, hai anh em góp hả?
- Dạ!
Mắt tôi nhoè đi, mũi cay xè, cảm xúc ngũ vị tạp trần…
Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại rơi nước mắt, không nhiều, một giọt thôi, nhưng với một người chồng, người cha, như thế là quá đủ rồi.
Ai bảo trẻ con không biết gì? Ai bảo trẻ con không biết nghĩ? Ai bảo trẻ con không biết bố mẹ sống ra sao?
Không, bọn trẻ con biết đấy! Nhưng tôi ước gì, trẻ con mà, chúng có biết gì đâu…”.
Đến ngày 19/6, bài đăng dạt dào cảm xúc của anh Vương đã thu hút hơn 8.000 lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Vương xác nhận: “Câu chuyện trên là có thật, được tôi viết và đăng lên mạng xã hội vào lúc 2h sáng. Hai bé mua váy bầu tặng mẹ là con trai 11 tuổi và con gái 7 tuổi của tôi”.
Anh Vương vào TPHCM được gần 2 năm. Anh làm việc tại công ty sản xuất giày dép. Dịp này, anh mang sản phẩm của công ty bán ở hội chợ hè trên TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Vợ anh Vương đang mang thai 7 tháng, cùng 2 con sống ở quê An Lão. Dù bầu lớn, di chuyển khó khăn nhưng chị vẫn chăm chỉ bán cháo vịt.
Từ ngày 1/6, hai con của anh Vương xin mẹ cho phụ việc ở quán cháo. Hai anh em chỉ bưng bê và lấy đồ cho khách.
Hàng ngày, vợ anh cho các con ít tiền lẻ, từ 6.000 – 10.000 đồng để mua quà vặt. Không ngờ, con gái bàn bạc với anh trai, góp tiền mua cho mẹ một chiếc váy bầu.
Anh Vương kể: “Tôi thường trò chuyện và dạy con phải tiêu tiền vào những thứ có ý nghĩa. Điều đó giúp mình có giá trị hơn.
Con gái thắc mắc, cái gì là ý nghĩa thì tôi giải thích, con làm mà con thấy vui, rồi người khác cũng vui, càng nhiều người vui thì càng có ý nghĩa.
Bẵng đi khoảng 2 tuần, con gái khoe 2 anh em mua váy bầu tặng mẹ khiến tôi bất ngờ.
Bé bảo: 'Tụi con mua váy bầu là mẹ vui, con với anh hai cũng vui. Ba có vui không?'. Tôi nói có vui thì bé reo lên: '4 người vui là có ý nghĩa rồi'.
Chiếc váy chỉ có giá 86.000 đồng, mỗi đứa góp 43.000 đồng lại khiến tôi trằn trọc, không ngủ.
2h sáng, tôi ngồi dậy viết đoạn tâm sự đó trong khoảng 15 phút rồi đăng luôn. Tôi không nghĩ có nhiều người đồng cảm và thương 2 bé đến vậy”.
Đi làm xa kiếm tiền nuôi con
Vì hai con anh Vương đặt nhầm size (kích cỡ) váy bầu nên vợ anh mặc vào hơi chật. Tuy vậy, hạnh phúc vợ chồng nhận được từ món quà bất ngờ của các con lại vô bờ.
Ở xa, anh Vương thường tranh thủ gọi điện về cho vợ con vào mỗi tối. Cả nhà ríu rít kể cho nhau nghe những chuyện đã làm trong ngày.
Anh không quên dặn con gái thay cha chăm mẹ. Thế nên, bé gần gũi và động viên mẹ suốt ngày.
Con gái anh Vương được chú ruột cho một chiếc điện thoại cũ. Ban ngày, mẹ bé cất điện thoại trong tủ. Đêm xuống, bé được dùng điện thoại khoảng 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện, nhắn tin với cha.
Anh Vương và con gái trò chuyện rất hợp nhau. Thậm chí, anh nói với con gái nhiều hơn với vợ. Cha con xem nhau như bạn, tâm sự đủ thứ trên đời.
Con trai của anh ít nói hơn, nhường điện thoại cho em gái dùng. Bé chỉ khoe với cha những thành tích tốt trong học tập.
Anh Vương thấy may mắn khi hai con xa cha nhưng ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Hai anh em đều đạt thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua.
“Lúc đầu, tôi đi làm xa, lo con cái ở nhà thiếu người bảo ban. May thay, hai đứa hiểu chuyện, vâng lời mẹ”, anh Vương tâm sự.
Ngoài quan tâm con cái, anh Vương rất thương vợ. Cứ nghĩ đến cảnh vợ bầu bì vẫn phải khệ nệ làm lụng, anh lại xúc động.
Mỗi ngày, quán cháo của chị thu được khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Anh khuyên vợ nghỉ sớm, nhưng chị bảo cố bán thêm 1 tháng nữa.
Vợ chồng ở xa, ai cũng lo chuyện xa mặt cách lòng. Thế nên, anh Vương chủ động gọi điện, hỏi thăm vợ con thường xuyên. Anh rất hạn chế ra ngoài, không bia rượu, thuốc lá.
Nhờ chăm chỉ làm việc, anh Vương được cất nhắc làm tổ trưởng, phụ trách 4 nhân sự chuyên bán hàng cho công ty. Nhận lương 20 triệu đồng/tháng, anh dành riêng 10 triệu đồng gửi về quê cho vợ con.
Một năm, anh chỉ về quê vào dịp tết Nguyên đán. Năm nay, anh dự định lúc vợ sinh sẽ xin nghỉ phép ít ngày. Anh muốn chăm vợ con trong những ngày ở cữ yếu ớt, mệt mỏi.
Ảnh: Nhân vật cung cấp