Ông Đinh Đăng Đông (phường Phú Hòa,ÔngĐinhĐăngĐôngphườngPhúHòaTPThủDầuMộtBácrấtbìnhdịvàgầngũkèo anh TP.Thủ Dầu Một) là con thứ 4 trong gia đình có 6 chị em của nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định - người chuyên chụp ảnh cho Bác Hồ. Vì vậy, trong khoảng 7 - 8 năm tuổi thơ của mình, ông Đinh Đăng Đông có may mắn hơn nhiều người, được gặp Bác Hồ rất nhiều lần.
Với ông Đinh Đăng Đông, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là một việc làm suốt đời Ảnh:T.THẢO
Ông Đinh Đăng Đông cho biết, cha của ông là nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Cha ông từng vinh dự có 17 năm được sống và chụp ảnh cho Bác.
Từ năm 1938, cha ông Đông - ông Đinh Đăng Định đã được phân công chụp ảnh cuộc mít tinh lớn tại Nhà đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô) đòi quyền dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân, thợ thuyền. Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Định hăng hái tham gia chụp ảnh phong trào ủng hộ “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo chống đói”, “Bình dân học vụ”… Sau này, ông Định được phân công theo Bác để chụp ảnh làm tư liệu về quá trình hoạt động của Bác Hồ từ khi còn ở Chiến khu Việt Bắc đến những chuyến đi nước ngoài công tác.
Trong 17 năm bên Bác, cha của ông Đông đã chụp nhiều bức ảnh đẹp của Bác trong sinh hoạt đời thường như: Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác, Bác ngồi câu cá, đánh bóng chuyền, Bác đọc báo trong hang Pác Bó, Bác Hồ tại Mặt trận Đông Khê, Bác tát nước chống hạn cùng nông dân, Bác tiếp chuyện văn nghệ sĩ nước ngoài, Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác quàng khăn đỏ cho 1 cháu thiếu niên, Bác tiếp đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác về thăm quê ở làng Kim Liên (Nghệ An)…
Vì là con của cán bộ làm việc trong Phủ Chủ tịch nên ông Đinh Đăng Đông có rất nhiều cơ hội gặp Bác Hồ. Ông Đông còn nhớ rõ, lần đầu tiên ông được gặp Bác là sau ngày giải phóng Thủ đô, khi ấy ông khoảng 8 tuổi. “Hồi ấy, đều đặn thứ bảy hàng tuần, chúng tôi được cho vào Phủ Chủ tịch để xem chiếu phim, biểu diễn văn nghệ. Và mỗi lần như thế chúng tôi đều được gặp Bác, chỉ trừ trường hợp Bác đi công tác xa. Khi gặp chúng tôi, câu đầu tiên Bác hỏi với giọng trìu mến là: Tuần nay các cháu học hành thế nào, sức khỏe có tốt không? Và mỗi lần như thế, Bác đều có kẹo, bánh dành cho chúng tôi. Tôi còn nhớ như in lời Bác dặn các chú trong Phủ Chủ tịch nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6-1957) là “các chú phải sắp xếp thời gian để mời các đoàn ca múa, chiếu bóng vào phục vụ các cháu thiếu nhi và cán bộ cơ quan”. Điều này thể hiện sự quan tâm của Bác đối với các cháu thiếu nhi, cũng như cán bộ công nhân viên chức cơ quan”.
Ông Đông bảo, những năm tháng đó, ông còn nhỏ tuổi, chưa hiểu nhiều nhưng cũng nhận ra rằng: Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn luôn lo lắng cho cuộc sống, học tập của các cháu thiếu nhi cũng như các gia đình cán bộ, công nhân viên. “Một ấn tượng sâu sắc nữa về Bác đối với tôi là Bác rất giản dị. Dù là người lãnh đạo Nhà nước cao nhất nhưng Bác chỉ mặc bộ quần áo nâu, đi dép cao su, ít khi thấy Bác mặc bộ quần áo sang trọng”, ông Đông nhớ lại.
Trải qua bao nhiêu năm tháng nhưng với ông Đông ký ức về những lần được gặp Bác vẫn gần như nguyên vẹn. “Bác Hồ - chân dung một con người vĩ đại nhưng lại rất bình dị, tài, đức vẹn toàn. Chúng ta nguyện suốt đời học tập và làm theo Bác”, ông Đông nói.
THU THẢO