Bài 2: Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân
> Bài 1: Giai cấp công nhân đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 20-NQ/TW) tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để tìm hiểu về những kết quả cũng như những nhiệm vụ, định hướng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20 trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Liêm xung quanh nội dung trên.
Bình Dương quyết tâm xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Bình Dương tuyên dương lao động giỏi, sáng tạo năm 2011
- Thưa ông, Bình Dương là tỉnh có đông công nhân lao động (CNLĐ), ông đánh giá như thế nào về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 20- NQ/TW?
- Có thể nói rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, quan trọng: Thứ nhất là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Nghịquyết 20- NQ/TW, về vị trí và vai trò của giai cấp công nhân trong quá trình thực hiện CNH, HĐH tỉnh nhà, từ đó đã đề ra chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nghị quyết; hầu hết các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ góp phần thực hiện khá tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình hành động của tỉnh. Thứ hai là, nghị quyết ra đời đã từng bước giải quyết được những vấn đề bức xúc, cấp bách trong CNLĐ như vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ, qua đó củng cốniềm tin của người lao động (NLĐ) vào sựlãnh đạo của Đảng. Thứ ba là, công tác tuyên truyền các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc đến CNLĐ đã tác động tích cực đến nhận thức, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của CNLĐ. Thứ tư là, công đoàn các cấp đã tập trung vào nhiệm vụ phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho CNLĐ, là cầu nối giữa cơ quan, đơn vị doanh nghiệp (DN) với CNLĐ. Thứ năm là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ, tích cực tuyên truyền vận động công nhân qua các câu lạc bộ chủ nhà trọ xây dựng khu nhà trọ văn hóa, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong các khu nhà trọ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời thực hiện đề án đoàn kết tập hợp CNLĐ, từng bước thành lập tổ chức Đoàn - Hội trong DN ngoài Nhà nước. Điều đáng mừng là đội ngũ công nhân sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đã có sự chuyển biến rõ nét về bản lĩnh chính trị và ý thức giác ngộ giai cấp từng bước được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần từng bước được cải thiện; an tâm trong lao động sản xuất, có ý thức trong việc học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20- NQ/TW còn một số hạn chế là: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở một số cấp ủy cơ sở chưa cụ thể. Tiến độ triển khai thực hiện một số mục tiêu của chương trình hành động còn chậm, chưa giải quyết hết những vấn đề bức xúc, cấp bách của NLĐ do sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho CNLĐ chưa sâu rộng đến các đối tượng CNLĐ; nhận thức của một bộ phận CNLĐ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, việc am hiểu chính sách pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân còn hạn chế. Tổ chức công đoàn tuy được thành lập nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động một số tổ chức chưa cao, chưa thật sự là chỗ dựa tin cậy cho CNLĐ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNLĐ.
- Nghị quyết 20-NQ/TW nhấn mạnh: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Vậy công tác này thời gian qua ở Bình Dương được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong thời gian qua, công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã quy hoạch và triển khai phát triển mạng lưới và các loại hình đào tạo nghề, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, xã hội hóa các cơ sở đào tạo nghề. Toàn tỉnh hiện có 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp chuyên nghiệp, 37 cơ sở đào tạo nghề, đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CNH, HĐH của tỉnh trong thời kỳ mới. Mặt khác các DN Nhà nước đã chủ động tổ chức đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ tham gia học tập văn hóa, tổ chức nâng cao tay nghề cho NLĐ. Riêng các cấp công đoàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp gắn với triển khai thực hiện 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, lao động trọng tâm là các phong trào thi đua: “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”… qua đó đã góp phần nâng cao trình độ cho CNLĐ trong DN Nhà nước. Riêng trong khu vực tư nhân thì việc làm này chưa nhiều. Đây chính là nhiệm vụ của các ngành chức năng và các đoàn thể trong thời gian tới.
- Theo ông, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 20-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?
- Phát huy những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/ TW trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 20- NQ/TW và chương trình hành động 66-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra. Tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc trong CNLĐ như: vấn đề nhà ở, giáo dục, y tế, các thiết chế phục vụ văn hóa; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ, tạo điều kiện cho CNLĐ được học tập nâng cao trình độ, tay nghề; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các DN trên địa bàn về việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh việc thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN, nhất là thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong các DN đủ điều kiện; nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đoàn viên công đoàn, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ DŨNG (thực hiện)