Nếu đăng hình ảnh kèm lời lẽ xúc phạm xỉ nhục, không có căn cứ, không kiểm chứng, chỉ suy diễn trên hình ảnh thì câu chuyện lại nặng nề hơn. Câu chuyện về việc một số báo đăng bài, đăng hình ảnh quy chụp ông Huỳnh Văn Nén khi tòa án chưa kết án, vẫn còn đó.
Để góp lời bàn cùng độc giả về quy định của pháp luật quanh chuyện sử dụng hình ảnh của cá nhân khi đăng status câu view hay đăng hình ảnh trên báo, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, về câu chuyện này.
Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh). Ảnh nhân vật cung cấp |
Thưa luật sư, gần đây có hiện tượng nhiều người lạm dụng việc dùng hình ảnh của người khác để ném đá, xỉ nhục, xúc phạm danh dự của họ khi chưa có thông tin xác thực. Luật sư có ý kiến gì về việc này?
Luật sư Phạm Công Út:Để đáp ứng các thị hiếu bình dân của số lượng độc giả thường tò mò chuyện đời tư của những nhân vật nào đó trong giới nghệ sĩ hoặc người của công chúng, hoặc một sự kiện nào đó mà họ cho rằng phản cảm.
Thay vì chỉ cần phê phán là đủ, họ còn đưa cả hình ảnh cá nhân của người mà họ chỉ trích để minh họa cho thêm phần gay gắt với lời phê phán của họ.
Điều đó pháp luật không cho phép, vì công dân có độc quyền giữ bí mật đời tư và hình ảnh, nhân thân của họ, nhà báo hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải tôn trọng điều ấy nếu không muốn sa vào các rắc rối về pháp lý khi bị chính người bị phê phán ấy bị đăng ảnh lên phương tiện truyền thông mà không được phép của họ.
Thế là từ việc ngồi xổm lên đạo đức, pháp luật để dạy người khác về đạo đức thì chính người đưa tin, hình ảnh cá nhân của người khác một cách tự ý để xỉ vả họ phải trở thành người bị kiện và buộc phải trả giá trước lưỡi gươm công lý. Mặt khác, sự xỉ vả, dạy đời kiểu ấy có thể vướng vòng lao lý khi chưa rõ chuyện, thành vu khống người khác.
Gần đây, cũng có một vài phóng viên lượm lặt các thông tin, hình ảnh từ các trang Facebook rồi viết bài phê phán kèm hình ảnh từ trang Facebook nào đó để minh họa mà không xin phép người đưa ảnh, càng không xin phép người trong ảnh. Rủi ro pháp lý trong trường hợp này đối với nhà báo ấy là rất cao
Đăng ảnh và xỉ vả người khác trên Facebook coi chừng bị kiện |
Việc làm này đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa luật sư?
Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định rất rõ: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, nếu đăng bài viết để phê phán xỉ vả người khác và tự ý đăng kèm hình ảnh cá nhân của “nạn nhân” mà không được sự đồng ý của “nạn nhân” thì điều đó là vi phạm pháp luật. Nếu nạn nhân – người bị đăng ảnh cá nhân đó có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại điều 34 bộ luật này cũng quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình”. Như vậy, nội dung của việc xúc phạm vô căn từ những bài báo như thế có thể sẽ bị “nạn nhân” khởi kiện, thậm chí đề nghị khởi tố hình sự tác giả của những bài báo như thế.
Đồng thời, nếu “nạn nhân” ấy khởi kiện việc xúc phạm này thì nhà báo đã làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó, nạn nhân còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Quy định pháp luật là vậy, nhưng luật sư lý giải thế nào về việc tình trạng vi phạm vẫn tăng cao?
Tôi cho rằng, có thể một phần do nhận thức về pháp luật của người làm báo và sự dung túng của ban biên tập của tờ báo ấy, tất cả cũng chỉ nhằm kích view, câu like một cách tầm thường để đáp ứng sự tò mò và kích thích đám đông.
Đó là những động cơ không trong sáng, cần phải chấm dứt để pháp luật về quyền con người được tôn trọng. Vì khi anh chà đạp quyền con người của người khác bằng báo chí thì cũng sẽ đến ngày quyền con người của anh bị chà đạp bằng luật pháp thôi.
Phải chăng, theo luật sư, các báo khi dẫn lại hình ảnh của người đang bị "ném đá" từ mạng xã hội cũng vi phạm?
Như phân tích về pháp lý ở trên thì các báo khi dẫn lại hình ảnh đang bị “ném đá” từ mạng xã hội cũng là vi phạm pháp luật dân sự về quyền con người và rủi ro bị khởi kiện là rất cao.
Vấn đề là “nạn nhân” có biết được quyền của mình để tự vệ bằng biện pháp pháp lý hay không mà thôi.
Từ góc nhìn của luật sư, ông có khuyến cáo gì để tình trạng xâm phạm quyền nhân thân về hình ảnh, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức không tiếp diễn tràn lan?
Thứ nhất, tôi hy vọng cánh báo chí nên cố gắng giữ được ngọn bút trong sáng, bất vụ lợi của mình, vì xã hội còn rất nhiều những tiêu cực cần phải lên án để góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn, không nên chạy theo những xu thế kiểu bình dân hoá tờ báo của mình bằng những soi mói đời tư như thế.
Thứ hai, tôi hy vọng sẽ có những vụ khởi kiện các tờ báo, các nhà báo ấy ra toà để làm sạch môi trường báo chí trong nước, để chúng ta giữ được một nền báo chí chân chính, nhân bản hơn.
Cảm ơn luật sư!