Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời các câu hỏi của đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Hàng loạt vấn đề nóng của ngành Công Thương,ĐạibiểuQuốchộichấtvấnvềtrấnápmạnhmẽtộiphạmtíndụngđkeonhacai5 Công an như việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra vụ sản xuất xăng dầu giả, làm giả nhãn mác, thương hiệu Việt Nam; xử lý tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"... đã được các đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8.
Giám sát tính trung thực, trách nhiệm của doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu vấn đề trong nhiệm vụ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành khi để xảy ra vụ sản xuất xăng dầu giả rất lớn mới phát hiện; làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam gây thiệt hại uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích xăng dầu là mặt hàng trọng yếu. Các lực lượng kiểm soát tại địa phương đã được yêu cầu phối hợp cùng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) để kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cho kiểm tra, phát hiện một số vấn đề.
Sự phối hợp đồng bộ các lực lượng ở các địa phương chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là thực thi chức năng của các đơn vị để kiểm soát tốt chất lượng của sản phẩm lưu thông trên thị trường, trong đó có mặt hàng xăng giả.
Theo Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu, dung môi pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường.
Trên thực tế, các lực lượng này đã không phát hiện ra được hành vi tinh vi, quy mô của các tổ chức. Việc phối hợp cũng không đảm bảo do sự yếu kém của lực lượng trên địa bàn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau khi lực lượng công an điều tra vụ xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra lại quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
“Kế hoạch kiểm tra chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương,” Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Công Thương cho biết trên thực tế đã có những khung khổ pháp luật để điều chỉnh việc quản lý hàng hóa xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, hiện có hai nghị định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa yêu cầu các doanh nghiệp và tổ chức khi sản xuất phải công bố chứng nhận xuất xứ; Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo các doanh nghiệp được đăng ký hàng xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi, trong đó hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam phải tối thiểu 30%.
“Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xin phép Chính phủ để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Với các quy định đề ra, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có quyền tự đăng ký, tự công bố, chịu trách nhiệm với việc này nhưng cơ quan chức năng cũng có căn cứ để giám sát sự trung thực, tính trách nhiệm của doanh nghiệp trong tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Chưa phát hiện trường hợp bảo kê cho "tín dụng đen"
Quan tâm đến vấn nạn “tín dụng đen,” đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên hiện nay tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cho biết trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời các câu hỏi của đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ đây là vấn đề bức xúc của xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn. Bộ Công an đã nhiều lần đề ra giải pháp khắc phục, trong đó có việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen.”
Chỉ thị đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để thực hiện và Bộ Công an cũng có một chuyên đề riêng để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, sáu tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố 436 vụ và 766 bị can liên quan đến "tín dụng đen," bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, các cơ quan đã khởi tố 214 vụ, hơn 900 bị can liên quan đến "tín dụng đen" về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Các lực lượng cũng áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm "tín dụng đen" trên toàn quốc; theo thống kê làm tan rã 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi.
Do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động cầm chừng, đồng thời nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình "tín dụng đen," bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng trong nhân dân. Đáng chú ý, hoạt động cho vay qua mạng Internet (tín dụng đen biến tướng qua không gian mạng) đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát...
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu cho vay và sử dụng “tín dụng đen” trong nhân dân vẫn còn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn nhiều khó khăn, do đối tượng sử dụng nhiều phương thức “lách luật;” việc xác định phạm vi dân sự, hình sự trong quan hệ cho vay còn khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” theo kế hoạch đề ra; không để chủ quan, chùng xuống khi kết quả hiện nay đang trên đà thực thi tốt.
Các lực lượng tiếp tục sử dụng biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát, lên danh sách, đấu tranh triệt phá băng nhóm "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức, nhất là các tổ chức tội phạm; điều tra, xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến “tín dụng đen.”
Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen,” trong đó thực hiện hiệu quả Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phối hợp với ngành ngân hàng giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay và có cách quản lý phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa bỏ “tín dụng đen.”
Bộ trưởng cũng cho biết lực lượng công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, không để tội phạm lợi dụng khe hở của pháp luật, làm cơ sở xử lý phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen” hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định qua điều tra, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho tín dụng đen của các lực lượng, kể cả trong lực lượng công an. “Quan điểm chúng tôi là xử lý nghiêm trường hợp bảo kê, liên quan đến bảo kê, không có vùng cấm nào liên quan đến hoạt động này. Nếu nhân dân, đại biểu Quốc hội phát hiện, chỉ ra vi phạm pháp luật về hoạt động này thì trao đổi thông tin, chúng tôi sẽ tích cực điều tra,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu hàng giả, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, những loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng.
Các công ty, tổ chức buôn lậu xuyên quốc gia, các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm có diễn biến phức tạp, nhất là lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi này. Đây là khâu rất khó khăn trong quản lý, đấu tranh. Theo thống kê, hiện có hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký, tiềm năng xuất hiện rủi ro, vi phạm lớn.
Đối với vụ sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng do Công an Đắk Nông phát hiện Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hoạt động này diễn ra đã nhiều năm, liên quan đến nhiều đối tượng, phạm vi cung cấp xăng giả ở nhiều tỉnh. Bộ Công an đã chỉ đạo điều tra làm rõ vụ án này trong thời gian tới./.
Theo TTXVN